Trước đó, Thủ tướng đã có chuyến thị sát tuyến đê biển bị sạt lở tại địa phận xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông - một trong những “điểm nóng” về sạt lở của tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quá sốt ruột” về tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông khu vực ĐBSCL. Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay những giải pháp xử lý dứt điểm hậu quả từ hiện tượng này.
Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, nhất là xóa bỏ, khắc phục những thói quen sinh hoạt, đời sống và canh tác dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Theo Thủ tướng, cần tiến hành đánh giá tổng thể căn cơ trên cơ sở quy hoạch lại khu vực ĐBSCL, từ đó, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xử lý tình trạng sạt lở chặt chẽ, hiệu quả hơn; tránh tình trạng “làm trước, hỏng sau”, không phát triển bền vững. Đi liền với đó là giảm thiểu khai thác cát ở các dòng sông; chủ động phân bổ quy hoạch dân cư và làm tốt công tác dự báo. Đặc biệt, cần chú trọng ứng dụng nhiều biện pháp khoa học và công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý sạt lở bờ biển. Thủ tướng đề nghị Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu một số đề tài sát thực với phòng, chống sạt lở tại ĐBSCL với những giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Về kinh phí, Thủ tướng cho rằng Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ ĐBSCL xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trong 2 năm 2019 - 2020, vì mục tiêu đảm bảo tính mạng, tài sản, an toàn của người dân. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ ngành liên quan sớm đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ; trong đó, nội dung cốt lõi là đề xuất của Bộ NN-PTNT với kết quả khảo sát hiện trường, có vị trí, cụ thể, chi tiết; đề xuất chậm nhất trong tháng 10-2019 theo hướng chia làm hai giai đoạn, chủ yếu là năm 2019 và một phần trong năm 2020.
“Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ĐBSCL để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại đây”, Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả nhất, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí kiểu “ném đá ao bèo” để cùng chung tay hỗ trợ ĐBSCL khắc phục hậu quả thiên tai.
Tán thành với đề xuất của Bộ NN-PTNT về các giải pháp của vụ đông xuân năm nay, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng chủ động có biện pháp tính toán diện tích lúa để chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp; chuẩn bị kế hoạch cụ thể về khoa học và công nghệ ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là về giống. Cùng với đó là yêu cầu đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt cho người dân. Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để về sản xuất vụ đông xuân và giải quyết tình trạng nước uống cho ĐBSCL trong bối cảnh hạn mặn năm nay.
Trước đó, báo cáo của Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc cho biết, nguyên dân của tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông vùng ĐBSCL là do những năm gần đây, bùn cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, trong khi việc khai thác cát ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy… góp phần khiến tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Trong vòng 10 năm gần đây, trung ương đã bố trí tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, trong đó năm 2018 và 2019 đã bố trí hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trung ương đang rà soát tiếp tục hỗ trợ thêm 4.412 tỷ đồng.
Đối với tình hình sản xuất vụ lúa đông xuân 2019-2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2019, lũ đến muộn và dự báo đầu tháng 10 lũ sẽ đạt đỉnh, trên mức báo động 1 và sẽ xuống nhanh sau đó. Trong khi mùa mưa trên thượng nguồn sắp kết thúc, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, vì vậy, tổng lượng nước đổ về ĐBSCL đạt mức mức thấp. Dự báo sẽ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Cho nên vụ đông xuân tới, ĐBSCL sẽ chỉ gieo sạ khoảng 1,55 triệu ha, giảm 50.000ha so với cùng kỳ.
Về giải pháp, Bộ NN-PTNT yêu cầu với 50.000ha diện tích giảm, vùng chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, nuôi thủy sản, đồng thời đẩy sớm khung thời vụ đông xuân ngay từ tháng 10. Các địa phương cũng cần chủ động trữ nước từ trung tuần tháng 10 tới để đối phó hạn mặn. Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài chính chủ động mua dự trữ 200.000 tấn gạo từ tháng 3-2020 và 100.000 tấn vào tháng 6-2020 để đảm bảo kế hoạch dự trữ và ổn định giá giá lúa gạo.