Trong đó, có hàng chục trạm BOT đã bị phản đối ngay khi đưa vào hoạt động, thậm chí trước khi đưa vào hoạt động. Đã có rất nhiều cuộc họp, cuộc chất vấn của báo chí, của đại biểu Quốc hội đối với lãnh đạo ngành GTVT, nhưng câu trả lời luôn là ngân sách hạn hẹp nên phải mời gọi đầu tư BOT, mà để mời gọi được BOT phải đảm bảo phương án tài chính cho dự án. Bộ GTVT cũng luôn trưng ra những chứng lý cho thấy vị trí đặt trạm, mức phí đều có sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Thậm chí, khi vụ việc ở Cai Lậy đã lên đến điểm đỉnh, một thứ trưởng của bộ GTVT vẫn khẳng định trạm BOT Cai Lậy không đặt sai vị trí. Thế nhưng, trước sức ép của dư luận và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát lại các trạm BOT trên cả nước và thừa nhận BOT Cai Lậy là 1 trong 17 trạm thu phí bất cập về vị trí đặt trạm (thực chất là đặt sai vị trí) cần có giải pháp xử lý.
Cũng chính vì sự bất nhất của Bộ GTVT đã khiến phiên trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành giao thông tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 “nóng rực”. Và cũng chính việc giải trình chưa rõ ràng về các trạm BOT sai vị trí nhưng chỉ xóa 1 trạm với lý do nếu thay đổi sẽ “không khả thi” của Bộ trưởng Bộ GTVT, đã càng làm dư luận bức xúc hơn.
Đó là việc 17 dự án BOT sai vị trí, trong đó có 3 trạm người dân không đi vẫn phải trả tiền; 6 dự án nâng cấp tuyến chính, cải tạo tuyến tránh nhưng thu phí trên tuyến chính; 6 dự án nâng cấp quốc lộ và đầu tư tuyến tránh và thu phí trên quốc lộ… Đặc biệt có 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án là do “lịch sử để lại”. Điều khiến dư luận phản ứng gay gắt là trong giải pháp Bộ trưởng nêu chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, xong lại thu, dân không chịu lại dừng…
Lãnh đạo ngành giao thông còn nhấn mạnh để chuyển các trạm BOT khỏi quốc lộ, Nhà nước sẽ phải “đền” 21.000 tỷ đồng. Nếu Quốc hội bố trí được vốn Bộ GTVT sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhiều lần “mong các đại biểu Quốc hội và nhân dân thông cảm”, vì làm BOT trong giai đoạn chưa có luật, nghị định cũng chưa hoàn chỉnh, Bộ GTVT cũng đã “bám theo các quy định tại thời điểm”.
Và vì khi triển khai dự án chưa có quy định cụ thể lấy ý kiến của nhân dân như thế nào, nên Bộ đã lấy ý kiến của UBND các cấp, một số dự án có lấy ý kiến của đoàn ĐBQH và HĐND. Bộ trưởng cũng hứa sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế bằng cách xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức công tư để giải quyết toàn bộ vấn đề này.
Vấn đề ở chỗ người dân không xin giảm giá, mà là dời trạm thu phí về đúng chỗ. Có đi có trả, người dân đòi hỏi sự công bằng và không chấp nhận tư duy tiếp tục giảm giá, giảm cước, kéo dài thời gian. Câu chuyện BOT đã nói quá nhiều. Sai thì phải sửa. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm.
Đừng viện lý do khách quan. Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp nên phải giải quyết, dũng cảm sửa sai. Ngoài ra, rất cần Chính phủ quyết tâm xử lý triệt để, thông qua việc cho thanh tra toàn diện các trạm BOT, xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể sai phạm; đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý…
Một khi Nhà nước đã quyết tâm sửa sai, không lý gì người dân không ủng hộ? Hãy trả lại sứ mệnh tốt đẹp của BOT, đó là huy động nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự phát triển cho đất nước. BOT không phải là miếng bánh ngon cho một nhóm lợi ích, bất chấp hậu quả gây ra cho người dân và Nhà nước phải gánh chịu.
Vừa qua, 40 dự án BOT bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 120 năm thu phí và giảm tài chính hơn 1.467 tỷ đồng. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm thu phí với 27 dự án khác. Việc này lẽ ra phải cách chức những người đưa ra những thỏa thuận trên, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người dân, tức phải có người bị xử lý chứ không thể vô can.
Nhưng đến nay không hề thấy quan chức nào của ngành GTVT chịu trách nhiệm cả, thậm chí lại coi đó là một thành tích rút ngắn được thời gian thu, bớt được tiền bạc.