PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thực trạng xử lý rác thải tại nước ta hiện nay như thế nào?
Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề lớn ở Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn. Tại Hà Nội có bãi rác Nam Sơn, TPHCM có bãi rác Đa Phước, ở Đà Nẵng là bãi rác Khánh Sơn, Hải Phòng là bãi rác Tràng Cát…
Theo số liệu thống kê, tại Đà Nẵng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khoảng 1.100 tấn, tức hơn 400.000 tấn/năm. Vì thế, bãi rác Khánh Sơn hiện tại đang chứa tới hơn 3 triệu tấn rác, bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ước tính đến năm 2030 rác thải sinh hoạt tại Đà Nẵng sẽ tăng gấp đôi, vào khoảng 2.200 tấn/ngày. Còn tại TPHCM, mỗi ngày TP thải ra khoảng 8.000-9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tức gần 4 triệu tấn rác thải/năm.
Chính vì vậy mà cuộc sống của người dân quanh khu vực các bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, chính quyền một số nơi không giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải ô nhiễm và bồi thường tái định cư cho người dân sống gần bãi rác.
Vì thế, nhiều lần người dân đã ngăn chặn các xe chở rác để yêu cầu đối thoại, dẫn đến tình trạng ùn ứ rác tại nội thành. Sau mỗi lần đối thoại, chính quyền cũng có xử lý, nhưng chỉ được một thời gian tình trạng trên lại lặp lại.
- Có ý kiến cho rằng công nghệ đang là “điểm nghẽn” trong xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay. Vậy công nghệ xử lý rác nào được cho là phù hợp, thưa ông?
- Theo tôi, cho đến nay chưa có một công nghệ nào xử lý rác thải hoàn chỉnh. Minh chứng theo số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý bằng cách chôn lấp.
Nhưng chỉ khoảng 20% trong số này được chôn lấp đúng cách, nghĩa là tuân thủ tiêu chuẩn 261-2001/BXD; đó là những bãi rác hợp vệ sinh có khả năng thu hồi và xử lý nước rỉ rác. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích bất cứ loại hình chôn lấp nào, vì bản chất công nghệ chôn lấp rác hiện đã rất lạc hậu.
Hiện đã có một số nhà máy sử dụng công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas để phát điện như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Tuy nhiên, hạn chế của nhà máy này là phân loại rác bằng tay nên khá độc hại cho người lao động, lượng điện sản xuất cũng không nhiều như kỳ vọng, giá điện từ biogas (8,5 cent/kWh) thấp hơn đốt rác phát điện (10,35 cent/kWh), nên nhà đầu tư không mặn mà.
Cũng có nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ phổ biến hơn, đó là xử lý compost, phân vi sinh. Song công nghệ này phân loại rác chưa triệt để, dễ lẫn kim loại nặng trong phân vi sinh và nó chỉ phù hợp cho bón cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc hoa màu có thể làm chết cây và gây ô nhiễm môi trường đất.
Bên cạnh đó, công nghệ đang được sử dụng khá nhiều là đốt rác thủ công (không phát điện) gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Bộ TN-MT đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo 2 buồng và lò đốt phải đạt 950oC, thời gian lưu trữ tối thiểu 2 giây. Tuy nhiên, quy chuẩn này lại không phù hợp với các loại công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến trên thế giới.
Một công nghệ nữa là kết hợp biogas với sản xuất viên RDF thu hồi năng lượng. Biogas có thể sản xuất ra lượng điện tự dùng để sấy khô rác, một phần phát lên lưới. Sản phẩm chính của quy trình công nghệ này là các viên RDF được cung cấp làm nguyên liệu đầu vào, thay thế cho nguyên liệu than đá tại các cơ sở công nghiệp sử dụng lò đốt, như các nhà máy xi măng, luyện kim...
Ngoài ra, còn có các công nghệ khác được đề cập nhưng chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, là plasma và khí hóa rác thải. Những công nghệ này sản xuất ra syngas và phát điện bằng các động cơ đốt trong. Đây là các công nghệ có điểm nổi trội là lượng tro xỉ còn lại rất ít, tạo ra nhiều điện nhưng chi phí đầu tư lớn, cần được tiếp tục xem xét, áp dụng thử nghiệm.
Trong tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công nghệ gì cho phù hợp.
- Phải chăng, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mạo hiểm đầu tư công nghệ tiên tiến về xử lý rác do sợ thua lỗ?
- Theo tôi, khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm công nghệ của các nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế, dù trên thế giới có rất nhiều công nghệ tiên tiến. Bởi lẽ công nghệ tiên tiến tốn kém; công nghệ này có thể phù hợp với rác của châu Âu có đặc điểm khô và đã được phân loại, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam lại gây ô nhiễm và tạo ra ít sản phẩm nên doanh thu sẽ kém.
Như vậy, doanh nghiệp muốn đầu tư xử lý rác cần đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất, bền vững về công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến để xử lý rác không gây ô nhiễm.
Thứ hai, bền vững về tài chính, công nghệ phải tạo ra nhiều sản phẩm tốt, có thể bán trên thị trường để tạo ra doanh thu đủ lớn, bù đắp cho chi phí vốn vay và vận hành, bảo dưỡng.
Doanh thu của một nhà máy xử lý rác có 2 nguồn cần được đảm bảo: (1) nguồn thu từ phí xử lý rác hiện đang ở mức 20-21USD/tấn rác đầu vào; (2) nguồn thu từ sản phẩm sau xử lý rác, đó có thể là điện, gas, viên nhiệt trị RDF, phân vi sinh, chưa kể các loại vật liệu có thể tái chế khác như sắt, thép, thủy tinh…
Chính vì vậy đây cũng là bài toán khó trong việc chọn lựa công nghệ xử lý rác của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.
Do chưa tìm được công nghệ tiên tiến phù hợp với rác thải (rác không phân loại và nhiệt trị thấp), Việt Nam chủ yếu áp dụng công nghệ xử lý rác chôn lấp hoặc đốt, gây độc hại và ô nhiễm môi trường. |