Hầu hết các địa phương trong vùng ĐBSCL chỉ thu gom rác vào bãi rác tập trung, rất ít bãi rác được xử lý đúng quy định mà để lộ thiên, hay che chắn gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng. Thời gian qua, mặc dù chính quyền và các ngành chức năng các địa phương đã tích cực kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập chưa đạt yêu cầu.
Theo các nhà đầu tư, cơ quan chuyên môn, rác thải đang tập kết ở các bãi rác trong khu vực ĐBSCL là dạng rác “hỗn hợp” gồm nhiều loại như: chai, bọc nhựa, ni lông; rác hữu cơ và cả một số chất thải trong sinh hoạt. Để xử lý rác thải hỗn hợp rất khó khăn, một số rác thải không thể phân hủy tự nhiên, do đó cần phải phân loại rác từ ban đầu trước khi đưa vào bãi rác tập trung.
Cụ thể, từ mọi gia đình, cơ quan, đơn vị phải chủ động phân loại riêng biệt rác trước khi thu gom lên xe chuyển đến nhà máy xử lý rác. Công việc phân loại rác từ "đầu nguồn" sẽ giúp công tác xử lý rác đơn giản hơn, không phải mất thời gian, chi phí để phân tách rác thải theo từng loại: rác thải nhựa, rác thải rắn và rác hữu cơ.
Đối với bãi rác Tân Lập 1 (Tiền Giang) thì công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho chỉ xử lý bằng cách khan thưa, phun xịt dung dịch khử mùi và cho hơn 70 lao động tự do vào thu nhặt bao, bọc ni lông để bán. Tuy nhiên, mức thu 64.000 đồng/tấn rác khi xe đưa vào đây không đủ chi cho các hoạt động trên. Vấn đề xử lý rác gặp khó khăn là không thể đào thêm chỗ chôn lấp mới, phải ủi rác lên cao.
Trong khi chờ xây nhà máy đốt rác đạt chuẩn, công ty đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cho chủ trương thu hồi thêm 2 ha đất trong khu quy hoạch để xử lý lượng rác ngày càng tăng. Đến nay, Tiền Giang chưa có dự án nào triển khai để xử lý rác thải do chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
Một cơ sở tái chế rác thải nhựa tại tỉnh Tiền Giang
Cá biệt, dự án xây nhà máy đốt rác tại bãi rác xã Long Chánh (Thị xã gò Công) công suất 200 tấn rác/ngày dù đã được phê duyệt của UBND tỉnh Tiền Giang nhưng dự án phải dừng triển khai do vướng các quy định của Bộ xây dựng như: các tiêu chí về diện tích, khoảng cách đối với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Đối với nhà máy xử lý rác xã Long Chánh, bây giờ không thực hiện được do không đạt được các quy chuẩn của Bộ xây dựng, nhưng tôi muốn đặt vấn đề là khi các sở, ngành tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận dự án rồi, nhưng không thực hiện được thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thứ 2, tôi đề nghị rà lại Nghị quyết của HĐND tỉnh vì chúng ta đã có những NQ thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực môi trường. Vậy chúng ta xem những chính sách đó hiện nay có còn phụ hợp nay không, nếu không thì UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung để làm sao có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực này”.
Những bao hạt nhựa thành phẩm sau khi tái chế
Đối với tỉnh Bến Tre, hiện chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải huyện Thạnh Phú (công suất thiết kế 100 tấn rác/ngày); Nhà máy xử lý rác thải huyện Bình Đại đang thực hiện các thủ tục về đầu tư (công suất 60 tấn rác/ngày). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp rác thải cấp huyện với tổng diện tích khoảng 11,6 ha.
Đối với nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành) do Công ty cổ phần xử lý rác Bến Tre đầu tư, triển khai xây dựng sau 5 năm với công suất thiết kế 250 tấn rác/ngày, vẫn chưa đạt yêu cầu và còn vi phạm luật bảo vệ môi trường. Năm 2022, UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định xử phạt hơn nửa tỉ đồng và rút giấy phép hoạt động do chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Hạt nhựa tái chế từ rác thải
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay: “Nói chung, tình trạng nhà máy xử lý rác kéo dài nhiều năm nay, vừa qua, nhà đầu tư thực hiện việc này chưa tốt, đặc biệt là thực hiện các cam kết. Qua kiểm tra chúng tôi đã quyết định đóng cửa rồi, hiện nay lượng rác thải thì đưa về tập trung ở các huyện nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư mới để thực hiện các nhà máy xử lý rác mới để làm sao đảm bảo xử lý rác trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng nhà đầu tư cũng có rất nhiều nhưng chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư nào có công nghệ tốt nhất, giá cả phù hợp nhất ”.
Hầu hết các bãi rác tại Tiền Giang chỉ xử lý thủ công hay để "lộ thiên"
Xử lý rác thải đang là vấn đề "nóng" ở khu vực ĐBSCL nhưng rất khó giải quyết. Ở thành phố Cần Thơ, khó khăn lớn nhất trong vấn đề giải quyết rác thải đến từ việc ách tắc ở hệ thống xử lý rác, việc thu gom cho tới điểm tập kết và nhà máy xử lý rác. Hơn 2 tháng qua, các đơn vị thu gom, xử lý rác ở TP. Cần Thơ liên tục phản ánh tình trạng quá tải và bị tắc trong khâu vận chuyển. Tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) nửa đêm xe chở rác còn xếp hàng dài ở cổng chờ đến lượt vào đổ rác.
Không chỉ quận Bình Thủy mà tại quận Ninh Kiều - quận trung tâm TP. Cần Thơ cũng tồn tại những bãi rác “3 không” với trên 300 tấn rác mỗi ngày, đêm là: không đảm bảo vệ sinh môi trường, không đảm bảo an toàn giao thông, không tuân thủ biển cấm.
Do chưa làm tốt khâu xử lý rác nên tại tỉnh Cà Mau có nhiều điểm tập kết rác thải gây ô nhiễm trầm trọng
Là đơn vị trúng nhiều gói thầu trong việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Cần Thơ, ông Nguyễn Thạch Em, Giám đốc Công ty CP Đô thị Cần Thơ chia sẻ: "Chúng tôi đang thực hiện trung chuyển, do nhiều điểm tập kết rác này là điểm tập kết tạm thì chúng tôi cũng cố gắng duy trì, luân chuyển trong 24 giờ sẽ sạch rác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có phát sinh nước rỉ rác, chưa khống chế được lượng nước rỉ rác này, thêm mưa xuống nước chảy ra ngoài, phát sinh mùi hôi".
Tại tỉnh Cà Mau, mỗi ngày có từ 200 – 220 tấn rác thải đô thị cần được thu gom. Ngoài huyện Ngọc Hiển thì lượng rác thải của 7 huyện còn lại và TP. Cà Mau đều được đưa về Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau – nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh để xử lý. Mỗi khi nhà máy xử lý rác bảo trì, bảo dưỡng hay ngừng hoạt động thì vấn đề thu gom rác sẽ rất nan giải với các địa phương. Từ nhiều năm trước, tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch thực hiện dự án Nhà máy rác thải tại xã Khánh An, huyện U Minh để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện.
Những bãi rác 3 không xuất hiện trên có con đường nội ô TP Cần Thơ
Chỉ riêng thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), có tổng lượng rác thải cần phải thu gom mỗi ngày của huyện khoảng 20 tấn. Ở huyện có bãi rác tạm để tập kết, sau đó, doanh nghiệp được hợp đồng sẽ vận chuyển ra nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau xử lý. Tuy nhiên, mỗi khi Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau ngừng hoạt động để bảo trì sẽ tạo áp lực về xử lý rác tồn đọng cho địa phương.
Ông Nguyễn Đa Khoa, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Trần Văn Thời cho biết: "Thời gian qua việc vận chuyển rác để thu gom về TP Cà Mau xử lý cơ bản đạt yêu cầu. Cái khó nhất của huyện là lượng rác nhiều, hạ tầng giao thông trong các hẻm nhỏ thu gom rất khó. Huyện đã cho xã hội hóa để thu gom, tổ chức HTX tự thu tự chi nhưng HTX vẫn gặp khó khăn. Về lâu dài để tháo gỡ khó khăn, huyện đã kiến nghị cấp trên để xem xét cho xã hội hóa xây dựng 1 khu xử lý chất thải".
Bãi tập kết rác ngay cầu Hưng Lợi - cửa ngõ vào nội ô Cần Thơ
Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã có nhiều cơ sở, nhà máy chuyên sử dụng rác thải “cứng” tức là các bao ni lông, chai nhựa để tái chế hạt nhựa phục vụ cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa mở rộng do vi phạm các quy định về môi trường, công nghệ, máy móc xử lý rác còn lạc hậu, thiếu nguồn vốn, quỹ đất để đầu tư, nên khó mở rộng mô hình.
Nước rỉ của rác chảy ra gây ô nhiễm môi trường
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về vốn đầu tư, cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, hỗ trợ khuyến khích đối với nhà đầu tư trong việc thu gom, xử lý rác thải, thì tại một số cơ quan, đơn vị và cá nhân ở các địa phương chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình, còn lơ là, chưa thật tâm quyết trong công tác xử lý rác thải, dẫn đến lượng rác khổng lồ cần giải quyết như hiện nay.
Theo VOV