Xử phạt nghiêm để chặn hành vi vứt rác bừa bãi - Thói quen xấu khó bỏ

(ĐTTCO) - LTS: Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng vẫn đang xảy ra phổ biến ở TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, bất chấp đã có nhiều quy định yêu cầu xử lý nghiêm hành vi này. Đây là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. 
Nhiều năm qua, TPHCM đã áp dụng, triển khai nghị định của Chính phủ cũng như ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có các hành vi xả rác bừa bãi. Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dường như vứt rác bừa bãi đã là thói quen xấu khó bỏ của không ít người. 

Xử phạt nghiêm để chặn hành vi vứt rác bừa bãi - Bài 1: Thói quen xấu khó bỏ ảnh 1Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiện tay là vứt rác

Trong một lần theo chân đội công nhân thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM), chúng tôi đã chứng kiến các anh chị công nhân vớt từ 7-8 tấn rác thải mỗi ngày. Họ luôn phải oằn mình xuống dòng kênh để vớt từng bịch rác đưa đi xử lý, từ ngày này qua tháng nọ, nhưng rác không giảm mà thực tế còn tăng lên. Đầu tháng 10-2022, trở lại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chúng tôi gặp các anh chị công nhân vớt rác khi trước. Công việc của họ vẫn là... vớt 9-10 tấn rác/ngày, thậm chí ngày cao điểm lên tới 13-14 tấn. 

Anh Hồ Học Hải, Đội trưởng đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ngao ngán: “Ý thức không ít người kém lắm, cứ tiện tay là họ vứt rác xuống kênh. Họ không nghĩ tới người khác phải vớt rác vất vả, nặng nhọc như thế nào. Ngày nào cũng vớt nhưng rác lúc nào cũng rất nhiều, có hôm anh em phải làm đến 21-22 giờ đêm mới xong. Rác thải xuống kênh đủ thứ loại, từ vỏ hộp cơm, bao ni lông, thùng xốp cho đến rác cồng kềnh như bàn ghế, chăn chiếu…”. Cũng theo anh Hải, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện có khoảng 22 công nhân, những lúc cao điểm số công nhân này không đáp ứng được công việc, đơn vị phải bổ sung lực lượng từ đội vớt rác ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm.  

Xử phạt nghiêm để chặn hành vi vứt rác bừa bãi - Bài 1: Thói quen xấu khó bỏ ảnh 2Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để hiểu rõ hơn nỗi khổ của công nhân vệ sinh, chúng tôi đã gặp chị A. (công nhân thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 1), có 3 năm quét rác ở các tuyến đường xung quanh khu vực Công viên 30-4 (quận 1). Nhiều lần chị chứng kiến không ít người sau mỗi lần tụ tập, vui chơi ở công viên, khi rời đi thì để lại một đống rác ngổn ngang.

“Mặc dù công viên có lắp đặt khá nhiều thùng rác công cộng, nhưng ít người có ý thức bỏ rác vào đây. Họ cứ nghĩ việc quét rác, gom rác là của công nhân vệ sinh. Thậm chí, có người khi được nhắc nhở vứt rác đúng nơi quy định thì còn cười cợt rằng không xả rác sao có việc làm cho chúng tôi”,  chị A. tâm sự.

Chị A. cũng thường bắt gặp nhiều tài xế xe hơi đậu ở lòng đường, ngồi trong xe tiểu vào các chai nhựa rồi quăng thẳng ra đường. Xe cộ lưu thông qua lại cán vào chai nước làm văng nước bẩn tung tóe. Không những thế, ở công viên thì có tình trạng người dân dắt chó đi dạo, để chó tè bậy ra công viên, khi công nhân vệ sinh nhắc nhở thì không ít người đã phản ứng, cự cãi lại. 

Sẽ không nói quá khi từ sự thiếu ý thức của không ít người, dẫn đến việc quét, dọn rác hiện nay ở nhiều nơi như “dã tràng xe cát”. Công nhân vệ sinh vừa thu gom rác xong thì nhiều người tiếp tục vứt rác, thậm chí vứt cả xác chuột, phân chó, mèo… ra đường. “Giá mà tất cả người dân ý thức được ý nghĩa của việc bỏ rác đúng nơi quy định thì công việc của chúng tôi chắc chắn sẽ bớt vất vả, nhọc nhằn hơn”, anh Hồ Học Hải tâm tư. 

Không tuân thủ giờ giấc bỏ rác

Tình trạng xả rác bừa bãi có thể bắt gặp mọi lúc tại nhiều tuyến đường, công viên, gầm cầu, kênh rạch, bãi đất trống… Tuyến đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) được đầu tư rất khang trang, rộng rãi, sạch đẹp, thế nhưng hình ảnh này đang xấu đi khi thời gian gần đây liên tục xuất hiện các bãi rác tự phát dọc tuyến đường.

Rác đổ chất đống, tràn lan, lấn chiếm hết vỉa hè. Tình trạng này cũng đang tái diễn ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TPHCM. Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), cho biết, mặc dù phường luôn tăng cường triển khai các giải pháp như ra quân dọn dẹp, cắm biển cấm đổ rác, lắp camera quan sát, thanh kiểm tra nhưng nạn xả rác trộm, bừa bãi ở các khu vực công cộng vẫn diễn ra phức tạp. 

Bên cạnh nạn xả rác bừa bãi, tình trạng người dân bỏ rác (để công nhân vệ sinh thu gom) không có giờ giấc nhất định cũng khiến việc thu gom rác gặp nhiều khó khăn. 

Ghi nhận ở hẻm 83 đường số 6, hẻm 49 đường số 8 ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, cho thấy, việc bỏ rác của người dân không theo quy định nào, ai rảnh lúc nào thì mang ra bỏ lúc đó, phó mặc cho đơn vị thu gom. “Mặc dù 15-16 giờ chiều, đơn vị vệ sinh mới đi thu gom nhưng 6 giờ sáng đã thấy có người dân mang rác ra để trước nhà; lại có những người đến 19-20 giờ tối mới mang rác ra. Việc không tuân thủ quy định giờ giấc bỏ rác của đại đa số người dân đã và đang gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường ở chính khu vực người dân sinh sống”, một người dân nhậ m thì không có rác nhưng khi quay vòng lại đã thấy rác xuất hiện trước nhà, và họ phải tốn công thu gom một lần nữa.

 Bà NGUYỄN AN THỦY (Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Bộ TN-MT):


Đã có hành lang pháp lý phù hợp     

                                         
Nghị định 45/2022/NĐ-CP (Nghị định 45, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường kế thừa từ Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu quản lý và thực tiễn hiện nay.

Theo đó, Nghị định 45 có điều khoản quy định tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đến mức tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Mặt khác, Nghị định 45 cũng đã giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương, như chiến sĩ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng).

Ngoài ra, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ, không cần lập biên bản... Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. (HÀ VĂN ghi)

Thống kê sơ bộ cho thấy, đội ngũ công nhân quét rác ở thành phố hiện nay có khoảng gần 4.000 người. Số lao động này đang phải thu gom khoảng 9.500 tấn rác thải mỗi ngày, và họ đang bị quá tải bởi lượng rác thải tăng lên trung bình khoảng 10%/năm.

Theo Sở Tài chính TPHCM, năm 2020, TPHCM đã chi 3.008 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Trong đó, khối quận, huyện là 1.491 tỷ đồng; Sở TN-MT là 1.516 tỷ đồng. Con số này năm 2021 là 3.063 tỷ đồng. Năm 2022, thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó khối quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở TN-MT khoảng 1.707 tỷ đồng.

Các tin khác