Sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), giới chuyên gia cho rằng cháy chung cư mini là hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý của cán bộ, cơ quan quản lý địa phương.
Vì thế, nếu không làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, mà cứ chạy theo sự vụ - giải quyết kiểu “phạt cho tồn tại” thì rất có thể sẽ còn nhiều “quả bom” chung cư mini khác sẵn sàng phát nổ khi gặp điều kiện thích hợp.
Bài học từ sự buông lỏng quản lý
Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) mới đây ghi nhận số người thương vong lớn nhất trong vòng 21 năm qua với 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Đáng nói, công trình trên xây dựng sai với giấy phép. Thay vì chỉ được xây 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật như trong giấy phép đã quy định thì tòa nhà này lại cơi nới kiên cố thêm 3 tầng. Mặc dù chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu cưỡng chế nhưng thực tế sai phạm tại chung cư mini này vẫn y nguyên.
Trước sự vi phạm của công trình nhà ở riêng lẻ “hóa” chung cư mini sai phép và hệ quả để lại là vụ cháy thương tâm trên, có thể thấy tính nghiêm minh của pháp luật đối với công trình vi phạm xây dựng này đang bị bỏ ngỏ, có vấn đề.
Theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/1/2018, công trình vi phạm không được cho phép “phạt cho tồn tại.” Do đó, tất cả công trình xây dựng sai phạm (như xây vượt số tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật, tự ý chuyển đổi công năng...) đều phải được xử lý theo đúng quy định. Tức là công trình nào xây sai thì phải đập bỏ phần xây sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình.
Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, khi trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo Hà Nội vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vào sáng 18/9, đã thẳng thắn chỉ ra rằng sau mỗi công trình vi phạm, xây vượt tầng là có sự “chống lưng.”
Theo ông Nghị, ngoài chung cư mini vừa xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong, trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình khác xây vượt tầng cho phép. Đáng lưu ý, ông Nghị nhìn nhận thực tế chủ đầu tư các công trình “mong được xử phạt” nhằm hợp thức hóa vi phạm vì những công trình này mang đến lợi nhuận lớn.
Nhiều chung cư mini không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
“Vi phạm đến đâu phải cắt bỏ đến đó, quá bao nhiêu tầng thì phải cắt ngọn bấy nhiêu. Nếu chỉ xử phạt mà vẫn cho tồn tại, cán bộ quản lý xây dựng sẽ có cớ để không tiến hành cưỡng chế mà chỉ xử phạt hành chính,” ông Nghị nói và cho rằng đây là cách để hợp thức hóa sai phạm nên cần thiết phải xem xét, làm rõ trách nhiệm.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu quan điểm thành phố cần nghiêm khắc xử lý vấn đề trên, trong đó có xử lý trách nhiệm cán bộ. Ông nhấn mạnh đây là việc này để chính quyền cấp dưới thực hiện nghiêm các chỉ đạo về việc xử lý công trình vi phạm, trong đó cần yêu cầu nếu cấp dưới vi phạm thì cấp trên sẽ bị xử lý.
Trước đó cho ý kiến tại hội nghị trên, ông Nghị cho rằng những vi phạm về trật tự xây dựng tại Hà Nội gây ra hậu quả phức tạp và nặng nề. Trong khi đó, Luật Thủ đô 2012 có quy định mức xử phạt hành chính chưa mang tính vượt trội.
Đừng để chung cư mini chờ “nổ”
Bàn về vấn đề trên, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính cho rằng sự cố sẽ khó có thể xảy ra nếu như ngay từ đầu, chủ chung cư mini tuân thủ đúng quy định, xây dựng theo đúng nội dung phê duyệt, số tầng phù hợp, có thang thoát hiểm; sau khi đưa vào vận hành thực hiện bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, trang bị đúng và đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Đính, nếu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trên thì cho dù có xảy ra cháy nổ, hậu quả cũng sẽ được kiểm soát kịp thời. Đặc biệt, nếu như công tác quản lý chung cư mini được tiến hành một cách thường xuyên và chặt chẽ, thì có lẽ sẽ không có tòa chung cư mini không đạt chuẩn nào được vận hành.
Phần lớn các dạng chung cư như thế này được chủ chung cư hàn những bộ chấn song bằng sắt, thép, inox,...vô cùng kiên cố để chống trộm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trước thực tế trên, ông Đính nhấn mạnh việc vận hành, khai thác các chung cư mini cần phải được đảm bảo an toàn hơn. Theo đó, tới đây cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng chung cư mini; tránh phê duyệt các chung cư mini có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận.
Mặt khác, các dự án nhà ở khác, chung cư mini cũng cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Đặc biệt, “năng lực, trách nhiệm” của người chủ chung cư mini phải được quy định rõ. “Không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây chung cư mini để bán hay cho thuê như thời gian qua,” ông Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát xây dựng, vận hành chung cư mini phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, đảm bảo chung cư mini hoàn thành đúng với tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, công trình cần thường xuyên được bảo trì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Với người dân, trước khi quyết định mua chung cư mini cần xem xét kỹ hồ sơ pháp lý như: Có giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp, xây dựng đúng theo bản vẽ thiết kế, đúng số tầng và mật độ xây dựng như trên bản vẽ đã cấp và có phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy do cơ quan công an thẩm định và cấp phép.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng vụ cháy chung cư mini vừa xảy ra vào đêm 12/9 vừa qua chỉ là một “qua bom” đã nổ. Ngoài chung cư mini, rất có thể còn có nhiều “quả bom” khác sẵn sàng phát nổ khi gặp điều kiện thích hợp. Vì vậy, thay vì đi vào xử lý khi “việc đã rồi,” chính quyền địa phương cần phải giải quyết tận gốc.
Một trong những giải pháp mấu chốt cần làm là giải quyết được vấn đề về chốn ở cho phần đông người dân. Trong đó, khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân là chìa khóa để có thể giải quyết được triệt để các vấn đề.