Kinh tế khó khăn, tiêu thụ sụt giảm, nhiều nhà nhập khẩu đang có xu hướng tiết giảm chi phí tìm kiếm nguồn hàng bằng cách tiếp cận đối tác thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT). Hơn nữa, các thị trường mới nổi đang có tiềm năng thu hút sự quan tâm của nhà nhập khẩu. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kênh TMĐT.
Những năm gần đây, kênh mua bán trực tuyến được ưa chuộng hơn và tỷ lệ thành công của DN sử dụng TMĐT cao gấp 5 lần các DN kinh doanh theo phương thức truyền thống. Các tổ chức nghiên cứu trên thế giới cũng đã thống kê được sự phát triển vượt bậc của TMĐT trong hoạt động của DN.
Cụ thể, trong số 29,5 triệu thành viên của sàn giao dịch Alibaba.com có đến 85% đang tìm kiếm nguồn hàng thông qua internet. Theo khảo sát của Oracle công bố vào cuối năm ngoái, hiện có khoảng 85% DN trên thế giới đã dành ra một nguồn chi ngân sách để tham gia đầu tư quảng cáo và tìm kiếm đối tác trên các sàn TMĐT dành cho DN.
Một báo cáo của Công ty Niesel cũng cho kết quả rằng có đến 65% nhà nhập khẩu đang tìm kiếm nguồn hàng thông qua kênh bán hàng trực tuyến. Điều này cho thấy, TMĐT đang trở thành một xu hướng kinh doanh chung của toàn cầu để tối ưu chi phí lẫn thời gian giao dịch, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, nâng cao cơ hội quảng bá thương hiệu và có được sự lựa chọn hợp lý nhất khi mua hàng.
Sàn giao dịch điện tử của Alibaba.com. |
Trên sàn TMĐT, hiện thị trường Đông Nam Á đang được người mua chú ý nhiều nhất khi tìm kiếm sản phẩm mới cũng như cơ hội giao thương lâu dài với người bán. Trong đó, Việt Nam đứng trong top 10 thị trường có sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Thời gian gần đây, số DN Việt Nam tham gia vào các hoạt động TMĐT cũng tăng mạnh. Chỉ tính riêng trên sàn giao dịch Alibaba.com, tính đến đầu năm 2012, có đến 200.000 thành viên đến từ Việt Nam đăng ký tham gia. Như vậy, từ năm 2009 đến nay, Alibaba.com đã đón nhận thêm khoảng 100.000 DN mới đến với sàn giao dịch TMĐT này, trong khi để đạt được con số 100.000 DN tham gia trước đó phải mất đến 10 năm.
Hiện nay Alibaba.com đang chú trọng đến các mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và bất động sản từ Việt Nam. Thông qua đó, nhiều DN đã có được đơn đặt hàng lớn từ các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Việc người mua đến từ 2 thị trường cung cấp nguồn sản phẩm lớn cho thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy năng lực sản xuất hàng hóa lẫn chất lượng sản phẩm Việt Nam đang ngày càng phát triển. Ngoài ra, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn như Kmart và Carrefour cũng đã đưa ra nhiều đơn hàng lớn và yêu cầu hỗ trợ để tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều sàn TMĐT sẵn sàng phục vụ nhu cầu tìm kiếm đối tác, làm cầu nối giao thương cho các DN trên thế giới. Do vậy, các DN có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình đơn vị đáng tin cậy để làm nền tảng gia nhập vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu và tạo ra sự bứt phá trong xuất khẩu thông qua TMĐT. Không những vậy, hiện nay các sàn TMĐT còn đưa ra các chương trình hỗ trợ DN.
Chẳng hạn như từ tháng 7 đến tháng 12-2012, Alibaba.com đưa ra ngân sách 21 tỷ đồng, giao cho công ty đại diện tại Việt Nam là OSB triển khai nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thông qua TMĐT cho 500 DN xuất khẩu trong các ngành hàng trọng điểm như nông sản, thủy sản, lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày…
Cụ thể, nguồn ngân sách này sẽ được dùng trong các hoạt động như hỗ trợ 45% phí dịch vụ thành viên cao cấp trên Alibaba.com, hoạt động đào tạo và tư vấn cách thức vận hành TMĐT, tổ chức các chương trình giao lưu trực tiếp với người mua. Ngoài ra, OSB sẽ phối hợp với các bên thứ 3 để hỗ trợ DN về các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, giao nhận khi xuất khẩu hàng hóa. Do đó, các DN nên tham gia vào kênh này để mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh quốc tế.