Xuân này con không về

(ĐTTCO) - “Mỗi năm một lần con về thăm mẹ/Đốt nén trầm hương khói loang bóng xế…”. Câu hát trầm buồn từ bên nhà hàng xóm bất chợt khiến tôi nhói lòng.
Xuân này con không về
Từ lúc rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp cách nay 21 năm, mỗi năm tôi đều cố gắng thu xếp để về quê ít nhất một lần vào mỗi dịp năm hết Tết đến, để hỏi thăm Cha, dọn cỏ mộ Mẹ, thắp nén nhang sưởi ấm vong linh người.
Đó cũng là thông lệ của anh em tôi, một lời hẹn ước không cần nói ra ai cũng tuân giữ từ hàng chục năm qua, từ khi chúng tôi không còn vòng tay của Mẹ yêu thương, rời xa quê hương lập nghiệp.
Vậy nên, hàng năm cứ khi đất trời phương Nam trở lạnh, lòng tôi se sắt nôn nao, bởi những ngày về thăm Cha viếng Mẹ, gặp gỡ anh em, tụ họp gia đình đã đến gần. 
Rồi như lẽ tự nhiên, chợt thấy trong lòng hối hả, vừa mong những ngày cuối cùng của năm cũ trôi qua thật nhanh để mau chóng quay về, vừa muốn năm mới đến chậm hơn để có thời gian chuẩn bị cho ngày về có được mâm lễ đủ đầy đặt lên bàn thờ Mẹ, có cái Tết tươm tất cùng Cha.
Thời gian như dừng lại vào những khoảnh khắc ấy, khi anh em tôi trở về từ khắp nơi, mang theo bụi đỏ của vùng đất cao nguyên, trái ngọt của miền Tây và cả sự hối hả của đất Sài thành… Chúng tôi cùng hỏi thăm Cha, đặt những món quà mình mang về từ phương xa lên bàn thờ, rồi thắp lên những nén hương, đọc kinh cầu cho Mẹ, và ngồi chuyện trò thâu đêm suốt sáng.
Thời gian cứ như vậy trôi đi. Rồi một năm, chúng tôi cũng vội vã trở về vào những ngày cuối năm, nhưng không phải chỉ để viếng Mẹ, còn để tiễn đưa Cha. Cha đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi để đi về bên Mẹ. Lời kinh cầu của chúng tôi từ đó dài hơn, cuộc đời trống vắng hơn… Nhưng chúng tôi vẫn trở về mỗi năm, không bao giờ lỗi hẹn.
Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ ở quê mỗi năm một lần lại được quét dọn sạch sẽ tinh tươm, nhà cửa bàn ghế, tủ thờ đều được những người về trước lau dọn kỹ lưỡng, vườn tược được dọn dẹp sạch sẽ…
Nhưng có một thứ chúng tôi luôn đợi mọi người về đủ mới làm cùng nhau, đó là dọn cỏ mộ cho Cha Mẹ. Thường vào chiều 29 hoặc 30 Tết, chúng tôi mua hương, mua hoa rồi cùng lên mộ Cha Mẹ nằm dưới chân núi. Lên đến nơi, mỗi người mỗi việc: dọn cỏ, sửa mộ, hốt rác, đốt hương, cắm hoa...
Xong đâu đấy tất cả quây quần quanh mộ Cha Mẹ, cắm nhang rồi bắt đầu đọc kinh. Những lời kinh vang lên trong cơn gió chiều xao xác, lẫn trong làn khói hương mong manh thơm dịu, buồn nhưng yên bình, tưởng chừng Cha Mẹ cũng trở về bên chúng tôi vào những giây phút đó, vẫn ấm áp yêu thương…
Cứ thế, ngày trở về cuối năm với mỗi chúng tôi không chỉ là kỳ nghỉ, mà là dịp để trở về với Cha Mẹ, tụ họp anh em con cháu, thăm bà con họ hàng, đàn đúm bạn bè, giữ gìn truyền thống. 
Mọi năm tôi rất thích cái se lạnh của Sài Gòn những tháng cuối năm, bởi nó nhắc nhở tôi về quê hương, nơi có biển, có núi, có đồng và cả một dòng sông…, mang lại hy vọng về những ngày đoàn tụ quây quần bên gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng năm nay, có vẻ như lần đầu tiên anh em tôi không thực hiện được điều mình đã giữ gìn hàng chục năm qua.
Dịch Covid đang bùng phát khắp nơi, những vùng đất anh em tôi đang sống và cả nơi chôn nhau cắt rún của chúng tôi. Và khi đất trời trở lạnh, lòng tôi cũng giá lạnh, bởi hy vọng được đoàn tụ gia đình và người thân ngày càng trôi xa theo những ca nhiễm bùng lên trên cả nước. Đi lại khó khăn và những quy định về cách ly, kiểm dịch khiến những ngày nghỉ ít ỏi của chúng tôi khi trở về quê đã trở nên bất khả thi.
Những ngày này ai sẽ dọn cỏ mộ cho Mẹ, Cha? Ai sẽ dọn dẹp bàn thờ để đốt lên những nén hương sưởi ấm linh hồn Cha, Mẹ? Làm sao có tiếng cầu kinh phá tan đi cái tịch mịch chiều cuối năm nơi nghĩa trang Mẹ, Cha nằm lặng lẽ? Năm nay, đến một lần về thăm Mẹ thăm Cha tôi cũng không làm được. Nghĩ đến đây, bất chợt tôi thấy mắt mình cay cay.
Nhưng Cha Mẹ luôn nằm trong trái tim tôi, và tôi cũng sẽ hướng về quê hương để đọc những lời kinh cầu cho Cha Mẹ vào chiều cuối năm, và sáng đầu năm mới. Mong rằng sang năm mới, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường, để anh em chúng tôi cùng những người con tha hương lại có thể trở về cùng quây quần trước bàn thờ Cha Mẹ, cùng đi lễ, dọn cỏ mộ và cùng hát lên những lời kinh cầu ấm áp.

Các tin khác