Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội có tuổi đời hàng trăm năm, với những sản phẩm tăm hương trứ danh trong và ngoài nước. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về là nơi đây lại tấp nập, hối hả sản xuất và vận chuyển hương với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường và phục vụ du khách tham quan.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, Quảng Phú Cầu nổi tiếng với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm.
Nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Họ sản xuất quanh năm, nhưng cuối năm mới là thời điểm "chính vụ" do nhu cầu tăng cao, hàng làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đấy.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, sản phẩm hương ở Quảng Phú Cầu được làm từ các nguyên liệu thảo mộc theo bí quyết pha trộn riêng, cẩn thận trong từng công đoạn nên hương rất thơm, luôn bền màu và đẹp mắt.
Những ngày giáp Tết, người dân trong làng hương Quảng Phú Cầu đều bận rộn hơn ngày thường.
Về thăm làng nghề hương Quảng Phú Cầu ngày cận Tết, dường như mọi người trong làng đều bận rộn hơn những ngày thường. Người thì sản xuất, đóng gói, người thì vận chuyển, mua bán,... Ai ai cũng đều hối hả, các đơn hàng cũng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhang hương trên cả nước và xuất khẩu.
Nghề làm tăm hương có mặt ở mảnh đất này đã hơn 100 năm, ban đầu tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Nhưng vài chục năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, nghề truyền thống này đã phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lao động trên khắp 6 thôn trong xã Quảng Phú Cầu.
Để làm ra một cây tăm hương cũng không dễ dàng bởi người thợ phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn. Sau khi chẻ vầu, cần làm khô từ 5-7 ngày rồi đưa vào máy chẻ thành tăm. Sau đó, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói.
Sau khi nhuộm màu, tăm hương được đem đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời rồi vận chuyển đến nơi sản xuất hương
Sau khi được nhuộm đỏ, nhuộm hồng, người dân ở làng nghề Quảng Phú Cầu phơi cho tăm hương thật khô, đây cũng chính là lúc quang cảnh cả một miền quê ven bờ sông Nhuệ trở nên lung linh, đầy màu sắc. Cảnh sắc này càng đẹp thêm khi xuân về, khiến du khách đến nơi này đều yêu thích. Chính vì thế, làng hương Quảng Phú Cầu trở này nơi “check in” (ghé thăm) hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Say mê với khung cảnh ở làng hương Quảng Phú Cầu, anh Vihaan – một du khách Ấn Độ chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với làng nghề truyền thống ở đây. Tôi và đoàn khách du lịch của chúng tôi đã chụp rất nhiều ảnh lưu niệm. Khi về nước, tôi sẽ gợi ý địa điểm độc đáo này tới người thân và bạn bè để khi họ đến Việt Nam nhất định không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm nơi này”.
Bà Lê Thị Đông - chủ một cơ sở sản xuất hương ở Quảng Phú Cầu cho biết, có rất nhiều du khách đến đây, đặc biệt dịp gần Tết vì hàng hóa phong phú, người dân phơi tăm hương khắp nơi và trang trí rất đẹp mắt.
“Hương ở Quảng Phú Cầu được làm từ các loại thảo mộc tự nhiên, với nhiều mùi thơm khác nhau, như quế, hồi, trầm, nhựa trám rừng,... nguyên liệu hoàn toàn 100% tự nhiên nên người dùng không lo độc hại. Trước kia, ở làng hương Quảng Phú Cầu, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả. Nhưng hiện nay công đoạn se nhang đều được sử dụng máy móc hiện đại nên sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao”, bà Đông chia sẻ.
Theo bà Đông, hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu.
Người dân đã đưa máy móc vào quy trình sản xuất hương.
Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ là nơi lưu giữ vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của người Việt mà những năm gần đây, làng nghề còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
“Chúng tôi phát triển làng nghề theo hướng kết hợp du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay các thôn trên toàn xã Quảng Phú Cầu đều sản xuất hương, tăm hương để cung cấp cho thị trường trong và nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ kết nối, xúc tiến quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các kỳ hội chợ thương mại, triễn lãm để các hộ sản xuất, kinh doanh có cơ hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm và mở rộng cơ hội hợp tác, tiêu thụ”, ông Hậu nói.
Trải qua những biến động, thăm trầm của thời gian, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu vẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.