Cụ thể, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19, một trong những vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp là bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TPHCM.
Trước đó, dự kiến từ ngày 1-4, TPHCM sẽ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển với mức phí khá cao.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TPHCM xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31-12-2022. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra” - ông Nam kiến nghị.
Theo đại diện Bộ KH-ĐT, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 đang có xu hướng chững lại.
Đại diện VASEP cũng kiến nghị TPHCM công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc thu phí cảng biển. Đồng thời, cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi theo đúng quy định của Điều 8, Luật Phí và Lệ phí là thu để cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư. Bên cạnh đó, TPHCM nên điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch.
Ông Cung đánh giá, có một số biện pháp chống dịch khá cực đoan áp dụng đã khơi dậy một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp đã bị bãi bỏ từ lâu. Có một số biểu hiện kháng cự, làm chậm lại quá trình cải cách, và nỗ lực phục hồi lại một số quyền và lợi đã mất ở một số bộ, cơ quan khá rõ nét. Tiêu biểu như kế hoạch sửa đổi lại Nghị định 15 - một thành tựu nổi bật của cải cách giai đoạn 2016-2020.
“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là thật đúng thời điểm”, ông Cung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 đang có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
“Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: đổi mới sáng tạo giảm từ thứ 42 xuống 44, phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc từ thứ 49 xuống 51, quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc từ thứ 78 xuống 84, cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc từ thứ 96 xuống 104” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Từ thực tế đó, đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.