Xuất khẩu cá tra kỳ vọng 2 tháng cuối năm

(ĐTTCO) - Trong tháng 10, xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường như Trung Quốc & Hồng Kông, Mexico, Canada, EU, Đức... Kết quả này mang đến nhiều kỳ vọng cho cá tra trong 2 tháng cuối năm. 
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng 2 tháng cuối năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK cá tra tháng 10 sang các thị trường đạt gần 173 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế XK cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 10, XK cá tra ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường như Trung Quốc & Hồng Kông, Mexico, Canada, EU, Đức... trong đó một số thị trường Nam Mỹ và châu Á được đánh giá là tiềm năng như Brazil, Trung Quốc, Thái Lan với mức tăng trưởng đều đạt 2 con số.

Cụ thể, trong tháng 10, Trung Quốc & Hồng Kông vẫn tiếp tục là thị trường đứng đầu NK cá tra Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng dương với giá trị đạt tương đương so với tháng trước đó 56 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, XK cá tra sang thị trường này giảm 23%, đạt hơn 490 triệu USD. Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này.

Đáng chú ý, EU đã tăng NK cá tra Việt Nam từ tháng 9 và duy trì mức tăng ổn định trong tháng 10 là 10% với giá trị đạt gần 15 triệu USD. Tính đến hết tháng 10, EU NK 144 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Đức vẫn là điểm sáng của khối thị trường này khi XK cá tra Việt Nam sang đây tăng 44% so với 10 tháng đầu năm 2022, riêng tháng 10 nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng NK gấp 2,5 lần các sản phẩm cá tra.

Ngoài Đức, trong tháng 10, hầu hết các thị trường chính NK cá tra Việt Nam trong khối EU đều ghi nhận sụt giảm như Hà Lan (giảm 27%), Bỉ (giảm 35%), Tây Ban Nha (giảm 7%)... Nhu cầu về cá tra Việt Nam tại EU dần tăng trở lại do thời điểm chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. EU kỳ vọng sẽ là điểm sáng XK những tháng cuối năm nay khi được đánh giá là có nền kinh tế ổn định hơn so với các thị trường trọng điểm khác.

Khối thị trường CPTPP lần đầu tăng trưởng dương sau nhiều tháng giảm NK cá tra từ Việt Nam, với giá trị trong tháng 10 đạt 23 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ cũng thuộc top đầu các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Kim ngạch XK cá tra sang thị trường này trong tháng 10 đạt hơn 21 triệu USD, giảm so với gần 23 triệu USD của tháng trước và giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, lũy kế XK cá tra sang thị trường này ghi nhận giảm hơn một nửa so với 10 tháng đầu năm 2022, và chỉ đạt 228 triệu USD.

Tuy vậy, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 10 là tháng cao điểm cho ngành dịch vụ chuẩn bị các dịp lễ lớn trong năm, khi người tiêu dùng tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trong đó có cá tra Việt Nam. Những tín hiệu bắt đầu hồi phục và tăng trưởng nhẹ trong tháng đầu quý IV năm nay kỳ vọng sẽ duy trì và tăng trong 2 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, VASEP khuyến cáo DN nên tìm kiếm khai thác thêm các thị trường tiềm năng khác ở Nam Mỹ và châu Á, ngoài Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh XK thêm các sản phẩm khác ngoài phile đông lạnh để giữ thế chủ động.

Các tin khác