Xuất khẩu điều đặt mục tiêu 2,5 tỷ USD

2014 là năm thứ 9 ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân và là năm đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Thành tích tốt, song ngành điều vẫn còn rất nhiều việc phải làm để gia tăng giá trị xuất khẩu. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS).

2014 là năm thứ 9 ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân và là năm đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Thành tích tốt, song ngành điều vẫn còn rất nhiều việc phải làm để gia tăng giá trị xuất khẩu. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS).

PHÓNG VIÊN: - Sau thành tích năm 2014, kế hoạch xuất khẩu cũng như cơ hội và thách thức của ngành điều trong năm 2015 như thế nào, thưa ông?

Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG: - Có thể nói 2014 là năm thành công nhất của ngành điều Việt Nam về xuất khẩu. Năm 2015 toàn ngành sẽ cố gắng duy trì sản lượng xuất khẩu như năm nay, nhưng tổng giá trị sẽ lớn hơn, khoảng 2,5 tỷ USD, tập trung chế biến xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu (điều rang, chiên, tẩm gia vị, bánh kẹo điều…) và sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều tinh luyện (cardanol)…

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giữ ổn định diện tích điều khoảng 300.000ha, năng suất 1,5 tấn hạt/ha, sản lượng 400.000 tấn hạt điều. Nâng tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm điều lên 20% và dầu vỏ hạt điều lên 50%. Tổng kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,5 tỷ USD/năm.

Cơ hội đối với ngành điều là rất lớn, bởi thị trường đầu ra của sản phẩm điều trên thế giới hiện nay quá tốt. Tăng trưởng trong tiêu thụ điều quốc tế hiện nay trên 10%/năm, sản phẩm chế biến điều sản xuất ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Dự báo trong thời gian tới, tiêu thụ nhân điều sẽ tiếp tục tăng khi những báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng điều là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, có rất nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe con người. Các chương trình quảng bá cũng được tiến hành đồng bộ trên phạm vi quốc tế và các quốc gia.

Tuy nhiên thách thức cũng còn nhiều bởi chúng ta vẫn còn đang trăn trở với bài toán về sản xuất điều, đó là bao giờ ngành trồng trọt và sản lượng điều trong nước mới đáp ứng được nhu cầu của ngành chế biến điều nước nhà, khi sản lượng chế biến ngày càng tăng, công nghệ chế biến ngày càng hiện đại, thị trường ngày càng rộng mở…

- Dù liên tiếp giữ vị trí xuất khẩu điều nhân đứng đầu thế giới, song ngành điều Việt Nam vẫn còn đó nhiều hạn chế cần khắc phục?

- Ngành chế biến điều của Việt Nam hiện nay được coi là ngành có hàm lượng khoa học-công nghệ khá cao trong những ngành chế biến nông sản. Chính bởi sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ và thiết bị chế biến tự động hóa, kể từ sau Dự án KC 07 năm 2011 của VINACAS, chỉ sau 3 năm đến nay cơ bản 2 khâu quan trọng nhất là cắt tách và bóc vỏ lụa đã được hoàn thiện, góp phần đẩy mạnh công suất chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm xuất khẩu. Đây có thể nói là thế mạnh đặc biệt của Việt Nam, là “sự thèm muốn” như bài báo nào đó đã từng nói của nhiều quốc gia nước ngoài, đặc biệt ở châu Phi và kể cả đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Ấn Độ.

Hiện nay sản phẩm điều được xuất khẩu ở dạng có thể sử dụng ngay, đã qua quá trình chế biến, cắt, tách, bóc vỏ lụa, sấy, đóng gói hút chân không... vì vậy không nên quan niệm rằng sản phẩm điều nhân hiện nay là sản phẩm chế biến thô. Tuy nhiên dư địa để cho sản phẩm chế biến này tăng giá trị vẫn còn, đó là chế biến ngày càng sâu hơn, hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, đa dạng hóa sản phẩm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

- Năm 2015 sẽ đánh dấu mốc hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết. Ngành điều có đươc hưởng nhiều những cơ hội từ các hiệp định mà Việt Nam tham gia hay không?

- Hiện nay một số hiệp định vẫn đang trong quá trình đàm phán, chúng tôi quan tâm đến TPP và những hiệp định thương mại tự do với những thị trường ngành điều có thế mạnh như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia…

Chắc chắn là không chỉ ngành điều mà tất cả các ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi, không ít thì nhiều từ những hiệp định này bởi thương mại không biên giới, không rào cản luôn là mong muốn của tất cả chúng ta. Hiện nay ngành điều là một trong những ngành có ít rào cản thương mại quốc tế nhất, chúng tôi hiện cũng là nhà xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới.

Với sự quan tâm của Nhà nước trong việc mở rộng thị trường, chắc chắn ngành điều sẽ có nhiều cơ hội phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Chế biến điều xuất khẩu.

Chế biến điều xuất khẩu.

- Ngành điều có kiến nghị gì với Chính phủ để hỗ trợ các DN xuất khẩu có hiệu quả hơn?

- Chúng tôi luôn mong Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, càng ít thủ tục rườm rà, càng ít rào cản càng tốt. Chính sách tín dụng đóng vai trò quan trọng, vì vậy lãi suất cho vay duy trì ở mức hợp lý và điều kiện cho vay, hạn mức cho vay ưu đãi đối với các DN điều sẽ hỗ trợ DN ngày càng phát triển.

Về sản xuất chế biến: hiện nay công suất chế biến tăng cao, năng lực trồng trọt trong nước còn hạn chế, chưa thể tăng ngay trong 5 năm tới, vì vậy nên có chính sách giảm thuế nhập khẩu điều thô xuống 0% để hỗ trợ hiệu quả hoạt động của DN. Bên cạnh đó Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ cho DN điều để liên kết tiêu thụ sản phẩm của nông dân theo chủ trương tại Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thông qua các chính sách cho vay, tín dụng.

Về mở rộng thị trường xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc gia sẽ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại năm nay cho ngành và các DN, hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài lẫn tiêu thụ nội địa.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác