Theo thống kê của các địa phương, những ngày gần đây tại tỉnh Lạng Sơn chỉ còn khoảng hơn 1.000 xe hàng tồn, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu. Tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái thông quan trong nửa đầu tháng 3 là 169 container trái cây các loại (thanh long, xoài, mít, chuối), tương đương 3.524 tấn; 290 container bột sắn (mì), tương đương 10.046 tấn; 165 container thủy hải sản tươi sống, tương đương 1.586 tấn; không có hoa quả tồn qua ngày.
Để đón thời cơ xuất khẩu gia tăng trở lại, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm hải quan, kiểm dịch và lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản.
Bên cạnh đó, các bộ cùng tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa hàng hóa nhiều lên các tỉnh biên giới tạo ùn tắc, ứ đong.
Liên quan vấn đề này, Văn phòng Bộ Công thương cũng thông tin, tất cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới tiếp giáp Trung Quốc đã được 2 nước công nhận và 3 cửa khẩu phụ, lối mở theo chỉ đạo (Tân Thanh, Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn, lối mở Km3+4 - tỉnh Quảng Ninh) đã hoạt động. Tại các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai đã sớm thiết lập quy trình “vùng đệm”, sử dụng địa điểm tại cửa khẩu để làm khu vực cách ly (tài xế Việt Nam đưa xe vào vùng đệm này, sau đó tài xế do ban quản lý cửa khẩu bố trí sẽ đưa xe qua bên kia biên giới giao hàng cho người nhận của Trung Quốc, sau đó quay xe về lại vùng đệm, tiến hành tiêu độc khử trùng và giao xe lại cho tài xế Việt Nam; tài xế và người bốc xếp của ban quản lý cửa khẩu ở lại trong vùng đệm, không vào nội địa).
Tuy nhiên, Bộ Công thương lưu ý, hiện năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn còn hạn chế, nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa còn thiếu. Hàng hóa mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do bắt buộc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Cùng đó, trên tuyến cửa khẩu phía Tây và Tây Nam, hiện cả Việt Nam, Lào và Campuchia đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu, hạn chế, thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới. Do vậy, bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa tại một số cửa khẩu giáp với Lào và Campuchia.
°Tối 24-3, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị tạm dừng thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23-3 và đề nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, những hợp đồng xuất khẩu đã ký, lượng gạo tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công thương kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.
Trước đó, theo Thông báo số 121 mà Văn phòng Chính phủ nêu các nội dung kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 thì Bộ Công thương đã đề xuất tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020.
Tiếp đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu, cục hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3; các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm 0 giờ ngày 24-3 vẫn được giải quyết theo quy định.