Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) của nước ta giai đoạn 2001-2010 đạt bình quân 19%/năm. Tuy nhiên, đa số DN đều XK thông qua trung gian nên lợi nhuận thực tế bị hạn chế.
Biết thiệt thòi nhưng đành chịu
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, cho biết: “Từ đầu năm 2011 đến nay, công ty đã XK được 180.000 tấn gạo, trong đó có đến 60.000 tấn XK sang châu Phi. Hầu hết các DN khác của nước ta cũng đang XK gạo sang thị trường này.
Tuy nhiên, việc XK phải phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị trung gian do không nắm bắt, hiểu biết về thông lệ kinh doanh và thông tin về các DN tại nước nhập khẩu cũng như tình hình tài chính của các DN đó”.
![]() |
Việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi đang phụ thuộc hoàn toàn |
Trong khi DN Việt Nam chưa có đầy đủ thông tin về đối tác và nhu cầu thị trường, khâu trung gian đóng vai trò rất quan trọng, làm cầu nối giữa DN trong nước và thị trường nước ngoài. Nhiều DN XK đã thực sự công nhận “quyền lực” của nhà môi giới.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành, chia sẻ: “Từ năm 2010, Công ty Minh Thành XK nông sản thông qua các nhà môi giới vào thị trường EU. Đến năm 2011 công ty đã trực tiếp đến chào hàng với một số nhà nhập khẩu nhằm mục đích tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng bị từ chối với lý do chưa biết về thương hiệu cũng như chất lượng và uy tín của công ty chúng tôi. Do vậy vẫn phải tiếp tục XK thông qua khâu trung gian, với cách này hàng hóa thâm nhập các thị trường rất dễ dàng và nhanh chóng”.
Châu Phi đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo/năm, DN nước ta đang có nhiều cơ hội chiếm thị phần tại thị trường này. Tuy nhiên, khi XK phụ thuộc vào khâu trung gian, giá gạo bán vào thị trường bị đẩy lên rất cao, có khi đến 800USD/tấn. Điều này khiến các DN XK gạo nước ta khó đẩy mạnh XK, thâm nhập thị trường châu Phi. Trên thị trường XK tôm cũng có tình trạng tương tự.
Qua một công ty thương mại tại châu Âu, Công ty TNHH TM-DV-XNK Thiên Minh đã XK mặt hàng tôm đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng gần đây Thiên Minh mới hay đơn vị trung gian bán tôm cho hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ cao hơn khoảng 15USD/kg so với giá mua. Nhiều DN khác cũng cho biết khi XK qua trung gian, giá hàng hóa khi tham gia vào chuỗi phân phối tại thị trường nước ngoài luôn đội cao hơn khoảng 20-50% so với giá nhà môi giới nhập khẩu từ DN Việt Nam.
Hướng đến XK trực tiếp
Một khi chưa tiếp cận được nhà phân phối ở thị trường nước ngoài, DN nước ta còn chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng hạn như nhiều nhà trung gian mua sản phẩm sơ chế từ các công ty xuất nhập khẩu để chế biến thành phẩm, đóng gói và ghi nhãn hiệu của họ để bán lại cho các nhà nhập khẩu.
Trong khi đó, nếu hàng hóa rủi ro vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và môi trường ở các nước nhập khẩu, hoặc xảy ra sự cố nào thì đối tác trung gian buộc DN trong nước phải chịu hoàn toàn mọi khoản bồi thường về chất lượng, dù khi nhận hàng họ đã kiểm tra, nghiệm thu chất lượng rất kỹ.
Trước tình hình đó, một số DN XK đang nỗ lực tìm kiếm đối tác thương mại trực tiếp. Chỉ khi XK trực tiếp, DN mới có thể gắn nhãn hàng hóa để giới thiệu thương hiệu ra nước ngoài. Đây là cách để quảng bá thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam.
Thế nhưng cho đến nay, nỗ lực tìm kiếm khách hàng trực tiếp của DN vẫn còn nhiều rào cản. Vài năm gần đây, Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giao lưu, tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để DN trong nước mở rộng quan hệ hợp tác với các DN nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), DN Việt Nam hoàn toàn có thể XK trực tiếp đến các nhà nhập khẩu nước ngoài để tăng lợi ích cho DN thông qua thương mại điện tử và các tổ chức hỗ trợ DN Việt Nam ở các nước. Các hội chợ thương mại cũng là một kênh tìm kiếm đối tác quan trọng, vì tại đây DN có thể gặp gỡ trực tiếp đối tác nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng nước ngoài.
Đây là cơ hội để các đơn vị sản xuất tìm hiểu yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả lẫn kinh nghiệm thích nghi thị trường của nhà sản xuất trên thế giới để cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Tuy chưa thể thực hiện ngay, nhưng về lâu dài, DN Việt Nam nên hướng đến XK trực tiếp để khẳng định vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.