Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), quý đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu giảm và chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tăng cao. VASEP đánh giá hiện có 2 câu chuyện đáng chú ý trong giai đoạn hiện.
Thứ nhất, câu chuyện về thức ăn nuôi thủy sản. Hiện giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.
Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn độ và Ecuador.
Trong đó, chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào có tính chi phối đối với giá thành sản phẩm thủy sản nuôi. Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và TACN. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15-11-2021 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, TACN nói chung đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về sản lượng, giá bán tăng cao, giảm sức cạnh tranh.
Do vậy, ngày 15-3 vừa qua, VASEP đã gửi công văn số 24/CV-VASEP tới Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%. Việc giảm thuế này giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Câu chuyện thứ 2 được VASEP đề cập tới liên quan đến thị trường Hàn Quốc, thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng tôm. Là nguồn cung cấp tôm số 1 cho Hàn Quốc, mỗi năm Việt Nam cung cấp hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm nhập khẩu của Hàn Quốc.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc thực thi từ năm 2015 đến nay, tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp hội viên VASEP, thì sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị chính phủ nước này đối xử bất công.
Cụ thể, đó là quyết định yêu cầu đấu giá quota tôm nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota thì mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu là 20%.
Như vậy, việc nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc chịu mức thuế từ 14-20% là chưa đúng tinh thần của của FTA giữa 2 nước. Đặc biệt thấy rõ sự phân biệt đối xử khi so với FTA giữa Hàn Quốc - Peru, khi tôm nhập từ Peru không có quota và được hưởng mức thuế 0%.
Ngày 15-3, VASEP đã gửi công văn số 25/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.