Theo tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 1-2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ước tháng đầu năm, XK thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
XK sang các thị trường chính trong tháng 1-2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – HK giảm 55%, EU giảm 35%...
VASEP đánh giá bức tranh XK thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Chưa hết, trong khó khăn thuỷ sản Việt Nam cũng sẽ có những cơ hội.
Cụ thể, theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II-2023.
Trong nước, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Với tinh thần đó, ngành thủy sản trông chờ vào sự hồi phục nhu cầu và đơn hàng từ các thị trường với hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý II-2023.