Xuôi dòng sông Hậu

(ĐTTCO) - “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm / Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh / Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ / Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”. 
Xuôi dòng sông Hậu
Những ai yêu mến vùng đất Nam bộ đều biết đến bài hát Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được sáng tác trong thập niên 80 của thế kỷ 20.
Bài hát đã khắc họa hình ảnh dịu dàng của người phụ nữ Nam bộ trong chiếc áo bà ba và “nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ”… Những hình ảnh tiếp nối trong bài hát “Về Sóc Trăng hôm nay khai điệu Lâm Thôn / Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu… / Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ” - gắn liền với dòng sông Hậu hiền hòa trở nặng phù sa, ân tình của người miền Tây từ bao đời.
Sông Hậu là một nhánh tách ra từ sông Mekong, bắt đầu từ tỉnh Kandal (Campuchia), rồi vào Việt Nam qua huyện An Phú - một huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang. Từ đây, sông Hậu trải dài gần 200km đi qua An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Sông Hậu khi đến huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng tách ra 2 nhánh, một đổ ra biển qua cửa Trần Đề, một ra cửa Định An.
Sông Hậu được xem như trục xương sống điều tiết nguồn nước ngọt cho ĐBSCL, giúp hóa giải nguồn nước dữ trong những mùa lũ dữ từ dòng Mekong và góp phần thu trữ nước mưa, điều tiết nguồn nước ngọt trong mùa khô qua gần 100.000 hệ thống kinh trục, kinh cấp I, II, III và nội đồng trong vùng. Trong 5 năm trở lại đây, ĐBSCL chỉ có lũ nhỏ do một số nước xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong khiến nguồn nước về châu thổ ít hơn. 
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Số liệu từ Bộ TN-MT, ĐBSCL đang sụt lún 1cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt” - ThS. Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định. Mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mekong, nhưng việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân trong 30 năm qua, với thể tích hơn 2,5 triệu m3/ngày ở ĐBSCL.  
Sau trận hạn mặn lịch sử năm 2016 tại ĐBSCL, Nghị quyết 120/NQ-CP (17-11-2017) về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời. Nghị quyết 120 xác định lấy con người là trung tâm, lấy thuận thiên là xu hướng chủ đạo phát triển vùng. Trong đó “nước” là yếu tố cốt lõi, làm nền tảng cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL bền vững.
Các nhà khoa học cho rằng, đã đến lúc ĐBSCL cần liên kết thực hiện nhiệm vụ kép: Kiểm soát việc khai thác ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún, tận dụng đầu tư tối đa hệ thống nhà máy nước trên dòng sông Hậu để từ đó nối đường ống dẫn nước ngọt đến các vùng khó khăn thiếu nước ngọt trong mùa khô. Đây sẽ lời giải cho bài toán thiếu nước ngọt trầm kha trong mùa khô 5 năm qua.  
Sông Hậu gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất phương Nam. Sông Hậu vẫn hiền hòa hai mùa mưa nắng, mang nặng bao ân tình của người dân châu thổ như gửi gắm trong khúc hát: “Hậu Giang ơi nước xuôi xuôi một dòng / Dẫu qua đây một lần / Nói sao cho vừa lòng / Nói sao cho vừa thương”.

Các tin khác