Xuyên đêm đo nồng độ cồn 'ma men'

(ĐTTCO) - Để ghi nhận thực tế công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra xử lý các 'ma men' về đêm, phóng viên đã theo chân một số đơn vị CSGT ở TPHCM, miền Trung, tỉnh thành ĐBSCL. 

LTS: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-7 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, từ ngày 30-8 đến 15-10, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã triển khai 6 tổ công tác, phối hợp công an các tỉnh, thành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Đây được xem là chiến dịch đánh mạnh vào các hành vi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, nâng cao ý thức người dân khi điều khiển phương tiện giao thông, từng bước hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”.

Đa phần thổi là… dính

Tối 12-10, phóng viên theo chân Đội CSGT Nam Sài Gòn thuộc Phòng CSGT (PC08), Công an TPHCM thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn trên địa bàn. Khoảng 22 giờ, tại giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt (quận 7, TPHCM), xe cộ nườm nượp nối đuôi.

Từ xa, CSGT phát hiện một người đàn ông điều khiển xe máy có biểu hiện không tỉnh táo nên yêu cầu dừng xe. Sau một hồi đôi co, ông Đan Duy H. (SN 1983, ngụ quận 7) không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng ký xe và căn cước công dân; đo nồng độ cồn ông H. vi phạm ở mức 0,457mg/lít khí thở, CSGT lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện.

Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Long An, kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái ô tô và xe máy trên địa bàn Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Long An, kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái ô tô và xe máy trên địa bàn Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC

Chừng 15 phút sau, tổ công tác phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy BKS: 59T1-490.93 có biểu hiện say xỉn nên đã yêu cầu dắt xe vào kiểm tra nồng độ cồn. Làm việc với CSGT, anh T. thừa nhận: “Hôm nay do phải ngồi nhậu với đối tác nên đã uống bia, công tác xử lý nồng độ cồn của lực lượng chức năng là đúng theo quy định, tôi xin chấp hành”.

Sau khi được tổ công tác thông báo nồng độ cồn vi phạm ở mức 0,457mg/lít khí thở, anh T. ký vào biên bản vi phạm. Đến 23 giờ, một người đàn ông đang dừng đèn đỏ tại giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Lương Bằng có biểu hiện say xỉn, không kiểm soát được hành vi nên tổ công tác mời ông này vào kiểm tra nồng độ cồn.

Lúc đầu, ông H.P. không chấp hành, nhưng khi đo nồng độ cồn, hơi thở ông H.P. ở mức 0,380mg/lít khí thở. CSGT đã lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe.

Chỉ sau gần 2 giờ đồng hồ, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ quận 7) chứng kiến quá trình xử lý của tổ công tác, cho rằng: “Tình trạng người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn hết sức thương tâm. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên duy trì công tác kiểm tra nồng độ cồn để người dân nâng cao ý thức, tránh xảy ra tai nạn không đáng có”.

Người vi phạm câu giờ, đôi co

Tối 9-10, chúng tôi bám theo xe Đại úy Phan Trương Kha (trinh sát Tổ phản ứng nhanh thuộc Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) lên đường làm nhiệm vụ. Khoảng 20 giờ, bộ đàm trinh sát Kha vang lên, các đồng nghiệp đã phát hiện 1 ô tô BKS: 77A 002.39 có dấu hiệu nghi vấn lái xe sử dụng rượu bia.

Một lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn trên 0,4mg/lít khí thở liên tục đối phó, câu giờ không hợp tác với tổ tuần tra trên đường Ỷ Lan (TP Quy Nhơn, Bình Định) vào đêm 9-10. Ảnh: NGỌC OAI

Một lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn trên 0,4mg/lít khí thở liên tục đối phó, câu giờ không hợp tác với tổ tuần tra trên đường Ỷ Lan (TP Quy Nhơn, Bình Định) vào đêm 9-10. Ảnh: NGỌC OAI

Sau một hồi đeo bám, tại địa chỉ 86 đường Ỷ Lan, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì lái xe liên tục chống đối, không hợp tác. Không những thế, lái xe còn nhiều lần lớn tiếng từ chối, câu giờ để nhờ người can thiệp, gọi “sếp lớn” để gỡ.

Quá trình đôi co, lái xe nhiều lần lớn tiếng: “Có gì căng dữ, để tao điện thoại với sếp chút được không? Nếu bọn bay nói bắt thổi nồng độ cồn tao quỳ lạy luôn. Chứ giờ thổi là vi phạm và bị phạt rồi. Tao đã uống hơn 6 lon rồi…”.

Nhóm công tác gồm Thượng úy Võ Thống Nhất cùng Đại úy Ngô Bá Chung và Thượng úy Nguyễn Đỗ Huy Hoàng tiếp tục vận động, yêu cầu lái xe chấp hành nghiêm túc quy định, đồng thời cho biết, nếu không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn thì vẫn bị xử lý với khung hình phạt cao nhất. Lúc này, lái xe mới chịu thổi nồng độ cồn và cho kết quả vượt khung lên đến 0,463mg/lít khí thở.

Qua kiểm tra giấy tờ, lái xe là ông Lê Hữu H. (sinh năm 1967, trú tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn). Sau khi chấp hành ký vào phiếu đo nồng độ cồn, ông H. bỏ đi, không chịu hợp tác đưa phương tiện đến cơ quan chức năng để lập biên bản, xử lý theo quy định. Chúng tôi tiếp tục theo chân đội tuần tra đến gần 2 giờ sáng và chứng kiến hàng chục trường hợp tham gia giao thông khi đã uống rượu bia.

Thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, cho biết: “Đa số trường hợp vi phạm nồng độ cồn thường chống đối, “câu giờ” để gọi điện nhờ vả, mong được bỏ qua lỗi vi phạm, vì biết rõ số tiền phạt sẽ cao khi phát hiện có rượu bia trong người.

Tuy nhiên, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng nghiêm cấm việc can thiệp vào xử lý của lực lượng CSGT, đặc biệt đối với vi phạm nồng độ cồn. Đối với các trường hợp chống đối, cản trở, không chịu hợp tác thực hiện việc thổi nồng độ cồn, công an sẽ lập biên bản không chấp hành hiệu lệnh, nếu có hành vi chống người thi hành công vụ thì sẽ bị củng cố hồ sơ, xử lý theo pháp luật hình sự”.

Về quê đo nồng độ cồn

Hơn một tháng nay, tại Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long…, nhiều quán nhậu giờ cao điểm thưa vắng hơn trước. Thượng tá Đinh Nhật Trường, Phó công an huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết: “Giờ nhiều người không dám đi nhậu, vì rất… khó về. Tự chạy xe thì sợ bị bắt đo nồng độ cồn, xe dịch vụ thì hạn chế”.

Anh Nguyễn Văn Côn, một doanh nghiệp ở Bến Tre, tâm sự: “Hôm trước có đám giỗ nhà người bạn vào buổi trưa ở quê, nhưng tôi chỉ đến dự, ăn cơm rồi về, vì sợ bị bắt nồng độ cồn. CSGT giờ xuống tận nông thôn chốt chặn nên ai cũng ngán”. Hơn 1 giờ ngồi làm việc ở Phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre, chúng tôi chứng kiến cán bộ tham mưu liên tục trình ký biên bản xử phạt nồng độ cồn.

Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre, cho biết: Phòng CSGT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở khu vực nông thôn, đường liên xã, liên ấp, bởi không ít tai nạn giao thông thương tâm do người dân đi dự tiệc uống quá chén. Đáng mừng là từ khi bắt đầu thực hiện đợt tổng kiểm soát đến nay, tai nạn giao thông giảm, ý thức người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, việc người vi phạm nồng độ cồn có thái độ phản ứng thái quá, chống đối, thậm chí có hành vi xúc phạm người thi hành công vụ không phải ít. Tối 5-10, khi Cục CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn một người đi đường ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), người đàn ông đi xe máy mang BKS: 63X4-6439 bất ngờ rút ống bình xăng con, xả xăng, quẹt lửa dọa đốt xe.

Lập tức, người đàn ông này bị lực lượng CSGT giữ chặt tay và giật chiếc quẹt lửa. Xăng trong bình xăng con tràn ra lề đường. Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong cơ thể người đàn ông này là 0,689 mg/lít…

Những con số nhức nhối

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra hơn 8.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 4.700 người. Đây là những con số rất nhức nhối, làm xã hội lo lắng.

Mặc dù so với cùng kỳ, số người chết có giảm, nhưng lại tăng số người bị thương và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên cả nước vẫn rất lớn, mà một trong những nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện giao thông đã uống rượu bia.

Các tin khác