Ý chuyên gia quyện ý dân thường

(ĐTTCO) - Trong các thông tin về các dự án sắp triển khai hay đang đề xuất, thường thấy có câu “tham khảo ý kiến chuyên gia...”. Có vẻ như “chất xám” đang được trọng thị.

(ĐTTCO) - Trong các thông tin về các dự án sắp triển khai hay đang đề xuất, thường thấy có câu “tham khảo ý kiến chuyên gia...”. Có vẻ như “chất xám” đang được trọng thị.

 

Đối với những dự án rất chuyên môn, thuộc chuyên môn hẹp như biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh hay chống ngập nước hoặc chống hạn, rất cần ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ngược lại, có những dự án mang tính dân sinh, nên rất ư là “dân dã” và có vẻ như “bá nhân, bá tánh”. Thế cho nên cần có những cách tiếp cận khác hơn.

Gọi “dân dã” là do thường thì cái nhu cầu, cái sở thích, cái ước ao của đại chúng, đúng như ý nghĩa của từ này, là “sát mặt đất” chứ không “thượng tầng” như của giới tinh hoa, trong đó có các viên chức nhà nước thường “bay bổng” đi trước đa số, càng cao càng dễ thích thăng hoa.

Thế cho nên, có khi cái cần thiết của các quan chức lại là cái sang trọng, không cần thiết, vô bổ của đại đa số người dân đang đánh vật với cảnh kẹt xe ngày hai tiếng đi và về, họa triều cường, nạn “nhân mãn” trong các bệnh viện, nạn ổ gà, ổ voi cùng khắp ở các quận huyện có tên bằng chữ hay bằng số hàng chục trở lên...

Băn khoăn của nhiều người dân không phải là bao giờ có được metro để đi làm, đơn giản vì nhà họ đâu có nằm trên tuyến metro đó, mà là liệu tháng 9 năm nay tựu trường, với làn sóng nhập cư mới, xe cộ có nhúc nhích được không trên tất cả các ngõ ra vào nội thành...

Đối với họ, xe buýt “thân thiện” chính là mát mẻ và sạch sẽ như xe tuyến số 86 đi Đại học Tôn Đức Thắng chứ đừng như xửng hấp bánh bao cáu bẩn của xe một tuyến khác - tấm vé điện tử đâu có làm cho xe buýt mát hơn hay sạch sẽ hơn!

Thành ra, làm sao cho tầm nhìn xa của giới tinh hoa giao hòa với cái nhìn gần của đa số dân dã đó. Một khi đạt đến sự giao hòa đó, có thể tạm gọi là bước đầu tiến tới thái bình thịnh trị.

Để tiến tới sự giao hòa đó, thiết tưởng cần nhìn lại thành tố chính là mọi chuyện liên quan đến người dân, đến quốc gia, dân tộc đều là việc chung, cùng nhau bàn bạc, trực tiếp hay gián tiếp.

Người Việt trước kia từng có truyền thống “cái đình”, mọi việc cùng đem ra đình làng bàn bạc, cũng là một hình thức việc chung. Người dân hiểu rõ họ cần gì nhất và chưa cần gì trên năm thang bậc tiêu dùng “cái không thể thiếu được”, “cái cần thiết”, “cái hữu ích”, “cái thoải mái”, “cái sang trọng”.

Trên một bình diện khác, người dân chính là “chủ đầu tư” nguyên thủy do lẽ kinh phí dự án, sau này trả bằng cách nào đi nữa, cũng từ tiền thuế người dân đóng, nên nhu cầu sử dụng tất nhiên phải là của “chủ đầu tư”!

Ở các nước, tỉ như Singapore mà từ 30 năm qua đang là mô hình trong mơ, các dự án đô thị từ khi mới chỉ là ý tưởng đều được thông báo cho dân chúng biết chi tiết để dân chúng có ý kiến. Đây vừa là thực thi việc chung, vừa để huy động sự đồng thuận cùng trí tuệ của mọi người.

Đơn giản vì tổng dân số của một đất nước chính là tập hợp tổng mà trong đó giới chuyên gia mới chỉ là một tiểu tập hợp trong số các tiểu tập hợp khác.

Hỏi ý dân, đó cũng là điều mà Báo cáo phát triển 2035 của Ngân hàng Thế giới một lần nữa khuyến cáo:

“Cơ hội... để người dân cất lên tiếng nói của mình, qua đó tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước, còn thiếu trầm trọng. Từ trước đến nay, cách thức quản trị nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện để người dân bàn luận về các hành động của nhà nước” (tr.108).

Các tin khác