Các bộ chưa thống nhất ý kiến
Theo Bộ Y tế, mức thuế 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm và đề xuất cần áp mức thuế cao hơn (40%). Bộ Y tế viện dẫn theo nghiên cứu được Tổ chức HealthBridge (Canada) thực hiện thì nếu áp dụng mức thuế nêu trên thì sẽ thu ngân sách Nhà nước được khoảng 17.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ áp dụng mức thuế suất 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Theo đại diện Bộ Tài chính, việc mở rộng phạm vi để bao trùm đầy đủ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng, lý lẽ thuyết phục phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cả kỳ vọng tăng doanh thu thuế hay nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng đều không đạt được vì nhiều lý do. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên cần xem xét lại xem có nên bổ sung mặt hàng này vào dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tại nước ta đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020, từ mức 8,5% lên 19%. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình khu vực ASEAN là 33,96% (năm 2021).
Theo bà Lâm, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ và tỷ lệ thừa cân béo phì không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên. Theo đó, ở thành thị, tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,9%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 16,1% và tiêu thụ bánh kẹo là 51,1%. Ở nông thôn, tỷ lệ thừa cân béo phì 17,8%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 21,6% và tiêu thụ bánh kẹo là 56,4%.
Từ thống kê đó, bà Lâm cho rằng, nếu chỉ giảm tiêu nước giải khát có đường sẽ không giải quyết thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường…). Để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, cần tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe. Cùng với đó, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm; chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ; tăng cường các hoạt động thể chất.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, nhận định việc cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025-2026 cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa; tính tới rủi ro của doanh nghiệp; rủi ro lạm phát trong ngắn hạn.
"Từ tháng 1-2023 đến tháng 8-2024, tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng GDP quý. Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Do đó, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa như thuế VAT, TTĐB cần phải tính toán cụ thể", ông Cường phân tích.
Lo ngại “hiệu ứng ngược”
Theo cơ quan soạn thảo, nếu đề xuất đánh thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường sẽ tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, bài toán chi phí và lợi ích cần được cân nhắc thêm.
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế của việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát, nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ thuế gián thu sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng, nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ những năm tiếp theo, thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm khoảng 0,5%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm.
Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản bởi không loại trừ tình trạng lách thuế.
Ông Lực cho rằng việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ làm tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan, làm thiệt hại khoảng gần 28.000 tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022); làm giảm thuế gián thu 5.400 tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3.300 tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất nước giải khát sẽ có xu hướng giảm.