Đừng gian thương kiểu Thạch Sùng
Từ lúc dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu mua khẩu trang của người dân tăng mạnh. Nắm lấy thời cơ đó, có những người đã đầu cơ khẩu trang để kiếm lời, thậm chí một bác sĩ giám đốc bệnh viện cũng nhảy vào thu gom khẩu trang xuất khẩu lậu để trục lợi bạc tỷ. Có kẻ còn bất nhân đến mức thu gom khẩu trang đã sử dụng vứt đi để tân trang đóng hộp bán cho người tiêu dùng. Không ít người lo sợ dịch bệnh bùng phát sẽ thiếu lương thực, thực phẩm, nên lo mua tích trữ. Một số gian thương cũng lợi dụng “cơn sốt” này để đầu cơ, nâng giá lương thực, thực phẩm.
Chuyện kinh doanh đầu cơ thất đức trong tình hình dịch bệnh thế này làm chúng ta nhớ đến sự tích Thạch Sùng đầu cơ mua gạo, tích trữ cả một hang đầy, để bán giá cắt cổ trục lợi khi lũ lụt, mất mùa, dân chúng không đủ gạo ăn. Thạch Sùng thành một phú ông, giàu nứt đố đổ vách, nhưng trời bất dung gian, cuối cùng của phi nghĩa cũng mất sạch. Những kẻ gian thương muốn trục lợi trong mùa dịch Covid-19 nên nhớ đến câu chuyện Thạch Sùng để răn mình, làm người đừng tham lam, đừng đầu cơ lợi dụng cảnh khó khăn của xã hội để làm giàu bất chính.
Đang có rất nhiều tổ chức và cá nhân trong cả nước có nghĩa cử cao đẹp, tự bỏ tiền túi mua khẩu trang phát miễn phí cho mọi người, giúp cộng đồng nâng cao ý thức phòng dịch. Thậm chí có em học sinh còn đập cả ống heo tiền lì xì tết nhờ ba mẹ mua khẩu trang tặng mọi người. Hành động ấy thật đẹp và đáng trân trọng. Chính trong tình cảnh gian khó phòng chống dịch, càng rất cần mỗi người thể hiện ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái với cộng đồng.
NGUYỄN THANH VŨ, quận Tân Phú, TPHCM
Trò phản cảm đóng giả bị nhiễm bệnh để đùa cợt, câu view (Ảnh cắt từ video clip).
Xử lý khẩu trang y tế sau sử dụng
Trong thời dịch Covid-19, nhiều người dân cẩn trọng đeo khẩu trang, nhưng lại tùy tiện vứt bỏ bừa bãi sau khi đã sử dụng. Đây là hành vi thiếu ý thức, vì có thể làm lây lan dịch bệnh. Đã có một số đối tượng còn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại cho người tiêu dùng. Dùng lại khẩu trang y tế đã sử dụng, chẳng những không thể phòng ngừa lây nhiễm, mà còn có thể bị lây nhiễm bệnh, nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội. Những kẻ vô nhân tính cũng biết rất rõ như vậy, nhưng vẫn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán, bất chấp việc chính họ có nguy cơ bị lây nhiễm.
Do vậy, cho dù có khan hiếm khẩu trang trên thị trường, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng, không mua sử dụng các loại khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; và cũng không xả rác khẩu trang bừa bãi. Cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp thu gom khẩu trang đã qua sử dụng rồi tân trang để bán lại, và cả những trường hợp sản xuất kinh doanh khẩu trang y tế là hàng nhái, kém chất lượng. Như vậy, sẽ góp phần phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
VĨNH LINH, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Không hùa theo những thông tin thất thiệt
Trong 2 tháng qua, trên mạng xã hội có nhiều thông tin thất thiệt về tình hình phòng chống dịch Covid-19, gây hoang mang dư luận. Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng làm rõ và xử lý nhiều vụ vi phạm. Những tin đồn thất thiệt này có khi là những lời nói đùa cho vui, có khi là nhằm câu view để mọi người chú ý đến mình. Cũng có không ít thông tin thất thiệt về tình hình phòng chống dịch Covid-19 nhằm dụng ý gây xáo trộn trật tự xã hội, lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, đang lo sợ dịch bệnh, để kích động gây tâm lý bất mãn chính quyền. Đây là thực trạng đang có chiều hướng phổ biến, nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, sẽ gây ra những thiệt hại không chỉ cho đối tượng chịu tác động mà cả toàn xã hội.
Cảnh giác với những tin đồn thất thiệt liên quan tình hình dịch bệnh, trong 2 tháng qua, Bộ Y tế đã đưa những thông tin công khai, kịp thời đến nhân dân, nâng cao nhận thức và giúp người dân không tin theo những thông tin thất thiệt. Khi xuất hiện tin đồn thất thiệt, chính quyền và công an các địa phương đã nhanh chóng kiểm tra xác minh, truy ra người tung tin, kịp thời xử lý hành chính, công khai để nhân dân được biết.
Hiện nay, trước làn sóng tung tin đồn thất thiệt trên mạng câu like, với ý thức trách nhiệm, mỗi người dân nên tỉnh táo tiếp nhận thông tin, cảnh giác, không hùa theo những tin đồn. Nên sáng suốt lựa chọn những trang thông tin chính thống để tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ thông tin. Có như vậy, mới có thể ngăn chặn hành vi của những đối tượng xấu cố tình tung tin thất thiệt gây ra những hệ lụy cho xã hội, làm mất an ninh trật tự.
ĐỖ VĂN NHÂN, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Tẩy chay trò câu view phản cảm về dịch Covid-19
Trên YouTube và Facebook đang xuất hiện nhiều video clip phản cảm, có phần thái quá của một số bạn trẻ Việt Nam để câu like, câu view, kiếm tiền trên nỗi sợ hãi của người khác. Cụ thể như: giả vờ mình đang bị nhiễm bệnh, ho, sốt cao, nằm co giật, để xem phản ứng của gia đình, bạn bè và những người xung quanh ra sao. Sau đó, đăng tải lên mạng câu view hoặc giả vờ đã nhiễm dịch bệnh, rồi phun nước bọt ra khắp nơi để mọi người sợ hãi, chạy tán loạn. Thậm chí, có người còn quay clip đang gọi lên tổng đài của Bộ Y tế, giả vờ nhờ tư vấn, hỗ trợ, mà chỉ nhằm đùa cợt, trêu ghẹo. Đây là những hành động phản cảm, vô văn hóa, cần phải lên án, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để làm sạch nội dung trên mạng xã hội, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này, rất mong các cơ quan chức năng chú ý kiểm tra, xử lý những thông tin giả, video clip có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, phản cảm. Người tham gia mạng xã hội cần thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
NGUYỄN NAM , quận Gò Vấp, TPHCM