Yến - Thiêu hay không thiêu?

Ngày 16-4, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã kiến nghị tiêu hủy toàn bộ đàn chim yến tại cơ sở nuôi Thanh Bình do Công ty Yến Việt quản lý ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, nơi có 5.000 con chim yến chết do nhiễm cúm A H5N1. Hiện số chim còn lại khoảng 100.000 con.

Ngày 16-4, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã kiến nghị tiêu hủy toàn bộ đàn chim yến tại cơ sở nuôi Thanh Bình do Công ty Yến Việt quản lý ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, nơi có 5.000 con chim yến chết do nhiễm cúm A H5N1. Hiện số chim còn lại khoảng 100.000 con.

UBND tỉnh Ninh Thuận đang xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, về việc có đồng ý tiêu hủy hay không.

Những thông tin trên không chỉ khiến người nuôi yến Thanh Bình và Công ty Yến Việt cảm thấy bất an trước những thiệt hại không nhỏ, mà còn khiến toàn bộ ngành kinh doanh yến cũng như người nuôi yến cả nước như ngồi trên lửa.

Bởi lẽ, nếu chim yến bị tiêu hủy người nuôi không được nhận tiền bồi thường theo quy định hiện hành có thể đẩy ngành kinh doanh yến của Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Những sản phẩm tổ yến dù thu hoạch trước đó hay đã được kiểm tra, xét nghiệm cũng dễ bị người tiêu dùng quay lưng, nhà nhập khẩu chối từ.

Mới đây nhất, Vinacaptital đã gửi thông cáo báo chí khẳng định Công ty Yến Việt đã áp dụng quy trình YV - PureNest để đảm bảo không có virut cúm H5N1 trong tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến. Cơ quan Thú y Vùng 6 cũng khẳng định kết quả xét nghiệm tổ yến từ những con yến chết âm tính với chủng virut này.

Công ty Yến Việt hiện cho biết đã tạm ngưng khai thác tổ yến từ các nhà nuôi. Công ty cũng ngưng cả việc nhập tổ yến từ các địa phương khác. Các sản phẩm có trên thị trường hiện nay là khai thác trước khi có chim yến chết vì cúm H5N1.

Năm 2004, Việt Nam bắt đầu tham gia nuôi chim yến với nhiều kỳ vọng vào sự phát triển và doanh thu đến từ ngành kinh doanh tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến này. Tuy nhiên cho đến nay, so với các nước trong khu vực, sản lượng tổ yến đảo và yến nuôi của Việt Nam chỉ khoảng 10 tấn/năm, như vậy dư địa cho phát triển còn rất lớn. Nhưng cú sốc này với người nuôi và DN kinh doanh là quá lớn. Đây được xem như lần đầu tiên trên thế giới có chim yến nuôi nhiễm cúm A H5N1, vì vậy việc xử lý không hề đơn giản.

Để đảm bảo lợi ích cho người nuôi, DN và cả người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách nghiêm túc, nên xét nghiệm kết quả từ nhiều nơi trong và ngoài nước để đưa ra một kết quả chính xác nhất.

Hiện Trung tâm Thú y Vùng 6 gửi Chi cục Thú y Ninh Thuận đề nghị "đã có đủ căn cứ để công bố dịch", thế nhưng phía DN cũng như chính quyền tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần có những kiểm tra thêm trước khi công bố chính thức để tránh những thiệt hại không đáng có. 

Các tin khác