Yêu cầu kềm giá sữa

Ngày 20-2, Bộ Tài chính có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở tài chính thực hiện bình ổn giá sữa trên địa bàn. Đồng thời bộ này cũng có văn bản bác phương án tăng giá sữa đối với một doanh nghiệp.

Ngày 20-2, Bộ Tài chính có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở tài chính thực hiện bình ổn giá sữa trên địa bàn. Đồng thời bộ này cũng có văn bản bác phương án tăng giá sữa đối với một doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết các sở phải tiến hành thanh tra, kiểm tra việc đăng ký, kê khai, niêm yết... giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa giữ nguyên giá bán nếu chi phí đầu vào không đổi.

Tăng giá phải báo cáo

Sữa có dấu hiệu bị chuyển giá

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chuyện sữa nhập khẩu bán tại thị trường VN luôn cao hơn so với các nước trong khu vực đã được nói đến nhiều năm nay. Đặc biệt lo ngại hiện tượng mặt hàng sữa có dấu hiệu bị chuyển giá, tức là sữa tăng giá trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Để làm rõ sữa có bị chuyển giá hay không, Bộ Tài chính vừa có yêu cầu Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan phải vào cuộc khảo sát và đánh giá tình hình.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các sở phải báo cáo tình hình tăng giá từ ngày 1-1. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Dù sữa nước không nằm trong danh mục đăng ký giá nhưng có trong danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá của Chính phủ. Nếu doanh nghiệp (DN) nào đã tăng giá thì phải có báo cáo giải trình về việc tăng giá kèm theo chi tiết về tỉ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính phải kiểm tra, đánh giá mức hợp lý giữa tỉ lệ tăng (giảm) chi phí đầu vào so với tỉ lệ tăng giá bán. Nếu tăng quá mức doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định".

Băn khoăn về chất lượng sữa, ông Tuấn cho hay nếu nói sữa nước được làm từ 100% sữa tươi nguyên chất là không đúng. Hầu hết sữa nước của ta đều là sữa hoàn nguyên, tức nguyên liệu chủ yếu là từ sữa bột.

“Tôi có vào một số nhà máy sản xuất sữa. Thực tế họ mua sữa bột từ Thái Lan về pha chế thành sữa nước. Nguồn nguyên liệu sữa tươi chiếm tỉ lệ quá nhỏ. Hạn chót là ngày 31-3, các địa phương báo cáo tình hình về Bộ Tài chính, nếu kết quả báo cáo có vấn đề thì Cục Quản lý giá sẽ xem xét và đề xuất Thanh tra tài chính vào cuộc”.

Không chỉ đề nghị các sở tài chính thanh tra kiểm tra giá sữa, cùng ngày, Cục Quản lý giá cũng  có văn bản yêu cầu các DN sản xuất và kinh doanh sữa không đăng ký tăng giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi nếu chi phí kinh doanh không tăng.

Đối với sản phẩm sữa nước đã điều chỉnh tăng giá từ ngày 1-1 đến nay, nếu đơn vị nào tăng giá phải gửi báo cáo giải trình chi tiết tỉ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá về Cục Quản lý giá trước ngày 15-3.

Ngay trong ngày 20-2, Cục Quản lý giá cũng có văn bản bác phương án đăng ký tăng giá của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Trong ba sản phẩm đăng ký tăng, ông Tuấn cho hay chỉ có một sản phẩm được chấp thuận tăng giá.

Đó là dòng sản phẩm sữa NAN HA NWHB019-4 12x400gram VN tăng 12%, sẽ tăng từ ngày 1-3 này. Do giá nhập khẩu sữa tăng 25% dẫn đến giá vốn nhập khẩu tăng 16%. Còn với hai dòng sản phẩm PRE NAN B NW026-1 12x400gram VN và NAN AL 110 DS082-4 12x400gram VN, giá nhập khẩu đầu vào không tăng, thậm chí có mặt hàng giảm thì Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá hai mặt hàng sữa này. “Cứ thấy hàng tiêu thụ tốt mà tăng giá để điều chỉnh lợi nhuận là không thể được” - ông Tuấn cương quyết.

Đồng loạt tăng

Tại TPHCM, Sở Tài chính TPHCM cũng cho biết vừa tiếp nhận thông báo điều chỉnh giá của Công ty Nam Dương, nhà phân phối sữa XO. Dự kiến, việc điều chỉnh sẽ áp dụng trong tháng 2-2012 với các mặt hàng.

Ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng ban vật giá Sở Tài chính TPHCM, cho biết hiện nay có khoảng sáu đơn vị kinh doanh sữa đăng ký giá tại sở, và các sản phẩm nằm trong diện quản lý là dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các dòng sữa khác thanh tra Sở Tài chính chủ yếu kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Nhìn lại trong ba tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thị trường sữa lần lượt chứng kiến các đợt tăng giá liên tục của nhiều hãng sữa trong và ngoài nước, mức tăng 5-12%, thậm chí một số loại sữa ngoại tăng giá đến 18-19%.

Đầu tháng 9-2011, Công ty Friesland Campina Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá 4-15% một số mặt hàng sữa bột như Friso, Dutch Lady với lý do nguyên liệu đầu vào tăng. Đây được xem như là phát pháo cho đợt tăng giá của một loạt hãng sữa ngoại, sau đó khi đến giữa tháng 9 lần lượt sữa Dumex và Nestlé điều chỉnh các nhãn hiệu sữa bột tăng thêm 3-13% so với giá cũ.

Người tiêu dùng chưa kịp làm quen với giá mới thì đến tháng 12-2011, hai hãng sữa có thị phần cao tại Việt Nam là Abbott và Mead Johnson đồng thời thông báo tăng giá, trong đó Mead Johnson đăng ký tăng giá 18-19% cho ba dòng sản phẩm với lý do cải tiến công thức, bổ sung thêm vi chất. Riêng Abbott tăng đồng loạt cho các sản phẩm lưu hành tại Việt Nam lên khoảng 9%.

Hồi cuối tháng 1-2011, Vinamilk điều chỉnh tăng 5-7% cho các sản phẩm. Người tiêu dùng thật sự nóng ruột khi bước vào tháng 2-2012, một loạt hãng sữa thông báo tăng giá bán 5-10%, trong đó đáng chú ý là các sản phẩm sữa bột Anlene, sữa nước Anlene và sữa dành cho bà bầu Anmum của Công ty TNHH Fonterra Brands Việt Nam.

Theo các đại lý, giá sữa thường có hai đợt điều chỉnh trong năm rơi vào quý 1 hoặc quý 3. Trước đây các đợt tăng giá luôn trong tư thế thăm dò lẫn nhau, nhưng hiện nay việc tăng giá sữa khá loạn xạ, nhà kinh doanh có đủ lý do để tăng bất chấp sức chịu đựng của người dân.

Các tin khác