Sau khi để lại dấu ấn trên lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam thông qua việc mua lại Lazada từ Rocket Internet, nay Tập đoàn Alibaba lại tiếp tục tham gia thêm mảng bán lẻ truyền thống thông qua thương vụ mua lại cổ phần The CrownX của Masan Consumer (MCH).
Cụ thể, việc thỏa thuận mua lại cổ phần phát hành mới của The CrownX bằng 400 triệu USD tiền mặt đã giúp Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia nắm 5,5% tỷ lệ sở hữu của đơn vị này sau phát hành. The CrownX đang được định giá 6,9 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, trong đó Masan nắm hơn 80%.
Theo ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, The CrownX sẽ hợp tác phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam với Lazada Việt Nam trong lĩnh vực hàng nhu yếu phẩm. Trước đó, Masan từng đặt mục tiêu giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX phải chiếm ít nhất 5% tổng doanh thu trong thời gian tới. Việc hợp tác được cho là để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này.
Nguyên nhân là các đợt nâng cấp sản phẩm chưa phù hợp và sự xung đột về văn hóa điều hành ở Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, đã tạo cơ hội cho Shopee vượt qua dù là đơn vị gia nhập sau cùng.
Điển hình như Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam Zhang Yixing đã có một nhiệm kỳ điều hành không thành công do các quyết định không phù hợp với văn hóa bản địa và áp dụng quá rập khuôn công thức thành công của Tmall ở Trung Quốc (theo KrASIA).
Dù đã có nhiều thay đổi về nhân sự nhưng sự đứt đoạn trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho đối thủ vượt lên. Việc hợp tác với The Crown X, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, được kỳ vọng giúp Lazada đạt được thành tích khả quan hơn khi Shopee chưa kịp đặt chân vào mảng bán lẻ tiêu dùng.
Masan cho biết sẽ tiếp tục huy động vốn với số tiền đầu tư tương tự và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin từ Alibaba về mức độ đóng góp vào chiến lược phát triển The Crown X sau thương vụ này hay chỉ đơn thuần là một thương vụ đầu tư tài chính.
Tầm nhìn của Alibaba về tương lai của ngành bán lẻ cho phép khách hàng mua sắm tại cửa hàng đồng thời sử dụng các lợi ích của thiết bị di động. Ví dụ như khách hàng trực tiếp kiểm tra sản phẩm trước khi mua hay đặt hàng, thanh toán trực tuyến tại quầy và hàng sẽ được giao tới nhà.
Bên cạnh đó, các cửa hàng đóng vai trò là trung tâm phân phối, trong đó nhân viên siêu thị được phân công đi lấy hàng từ các đơn đặt hàng trực tuyến, sau đó đặt chúng trên băng chuyền đến bộ phận xử lý để giao hàng. Thông thường, khách hàng trong bán kính 3 km có thể nhận hàng tạp hóa của họ trong vòng 30 phút
Chưa dừng lại ở đó, Alibaba còn đầu tư vào công nghệ nhận diện hình ảnh với tham vọng sử dụng gương mặt khách hàng để thanh toán, mục tiêu của họ là làm việc mua sắm thuận tiện nhất có thể.
JD.com, đơn vị thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc, đồng thời là nhà đầu tư chiến lược vào sàn thương mại điện tử Tiki.vn của Việt Nam, cũng có kế hoạch đổ bộ vào ngành bán lẻ như Alibaba.
Năm ngoái, đại diện JD.com cho biết sẽ mở rộng mạng lưới 5 triệu cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin về việc JD sẽ tham gia mảng bán lẻ ở Việt Nam.
Trên thực tế, tầm nhìn về mô hình bán lẻ thế hệ mới của Alibaba có nhiều điểm chung với nền tảng “tất cả trong một” mà The CrownX đang hướng tới. Đó là một hệ sinh thái đa kênh (omni-channel) lớn mạnh trên nền tảng online và offline, tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Với quy mô ảnh hưởng lớn, hệ sinh thái này buộc doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ phải thay đổi cách vận hành truyền thống và bước vào một cuộc cạnh tranh mới.