Tại buổi thảo luận tổ sáng nay, 24-10, của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng đã đạt kết quả trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dù kết quả tăng trưởng 7,46% của quý 3 cao cũng không được chủ quan. Vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những phân tích, đánh giá của Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ cần phải được nhìn nhận rõ. Trong đó, việc phân bổ, giải ngân chậm vốn đầu tư công đã tác động xấu đến nền kinh tế. Đây là vấn đề mà năm nào cũng nói nhưng chưa khắc phục được. Công nghiệp, chế biến, chế tạo tăng ấn tượng nhưng chủ yếu nhờ doanh nghiệp FDI trong khi doanh nghiệp trong nước rất yếu. Điểm đáng chú ý, trong nhóm ngành nghề chế biến, chế tạo tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định, không phải tổng thể nền kinh tế.
“Tôi nhớ trước đây tỉnh Hải Dương có nguồn thu lớn nhất chủ yếu tập trung vào ô tô FORD. Do dựa vào một sản phẩm chủ yếu nên khi đơn vị này "hắt hơi", "sổ mũi" là ngân sách tỉnh Hải Dương có vấn đề liền. Tất nhiên, địa phương nào cũng phải có sản phẩm chủ yếu, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm. Ví dụ năm 2016, khi Samsung Note 7 bị “lỗi” là ảnh hưởng ngay tới chỉ tiêu xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh cũng như ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước nói chung”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
“Tôi cho đây là yếu tố tích cực, chúng ta cũng không nhất định phải tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản trong tình trạng giá thấp để cân đối ngân sách. Nếu trong tình trạng khai thác phải tính đến hiệu quả, giá thấp mà vẫn khai thác thì có thể gây lỗ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 11,02% là không cao hơn nhiều so với năm trước (tăng 10,46%). Nếu đặt mục tiêu còn mấy tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng lên tới 18-20% thì phải xem lại nền kinh thế có hấp thu được không? Nếu hấp thu thì hấp thu vào đâu?
Về dự toán chi ngân sách, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường vụ Quốc hội đề nghị ưu tiên chi bảo đảm tiền lương, trợ cấp người có công theo lộ trình; phải tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, phải bảo đảm tăng chi cho giáo dục đào tạo, tăng chi cho khoa học, công nghệ theo đúng nghị quyết. Còn những giải pháp khác mà Chính phủ trình ra, theo Chủ tịch Quốc hội là khá đầy đủ.