“Nghị quyết 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất không đưa ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát vào trong nhóm đối tượng được thụ hưởng. Trong bối đời sống-xã hội xảy ra các vấn đề bất ổn, như dịch bệnh COVID-19, các chính sách đưa ra cần đảm bảo tính công bằng cũng như tinh thần tương thân, tương ái… Các trường hợp sau này tương tự xảy ra, chúng tôi sẽ kiên trì bảo vệ tính bình đẳng với tất cả các ngành nghề.”
Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đề cập sau khi đưa ra những đánh giá về tình trạng khó khăn của ngành bia, rượu, nước giải khát trong thời gian qua.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Trích số liệu từ ngành thuế, ông Phụng cho biết các doanh nghiệp trong giải khát đã chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2020.
“Doanh nghiệp trong ngành này đã chịu tác động kép của một số quy định chính sách và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, lượng tiêu thụ giảm, lượng tồn kho tăng cao, sức ép cạnh tranh lớn. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng đang có sự thay đổi và điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường cho nhóm ngành này,” ông Phụng nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho biết ngành đồ uống trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trên cả thị trường dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, chính sách Nhà nước không khuyến khích rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của ngành, dự kiến trong năm 2020, sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp sẽ giảm từ 10%-20% và điều này cũng dẫn đến thất thu ngân sách.
Về thu thuế đối với ngành, ông Phụng cho hay ngành rượu, bia, nước giải khát có mức đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước hàng năm. Cụ thể, tổng số thu ngân sách của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội trong năm 2019 đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, bao gồm các loại thuế. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp lớn như Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg… nộp thuế khoảng 49.595 tỷ đồng, chiếm 80% số nộp của cả ngành. Riêng 10 tháng của năm nay, khối doanh nghiệp lớn đã nộp 39.111 tỷ đồng tiền thuế.
Hai kịch bản
Về xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá cao về tiềm năng của thị trường xuất khẩu, nhất là khi các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như các nước ASEAN, Trung Quốc đều cho thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, đồ uống tăng mạnh. Trước đó (giai đoạn 2010 – 2019), sản lượng bia xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Và, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và RCEP vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội.
Theo ông Long, xu hướng phát triển của ngành bia, rượu, nước giải khát trong thời gian tới phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam với 2 kịch bản. Thứ nhất, dịch bệnh trong nước được kiểm soát và dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng khôi phục, sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5% -7,5%.
Song, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của các nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021. Theo đó, sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5%-6%.
Với kịch bản lạc quan, sự phát triển trung hạn của ngành sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng khoảng 3%-3,5%. Nhưng, dịch bệnh diễn biến phức tạp kịch bản sự phát triển của ngành sẽ chậm lại và tăng trưởng khoảng 2%-2,5%.
“Để ứng phó với những kịch bản trên, các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Với đặc thù, doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao, thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận. Bản thân các doanh nghiệp ngành cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hướng tới sức khỏe hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP,” ông Long đưa ra giải pháp.
Chính sách ổn định
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành nước uống giải khát nói chung, ông Phụng cho rằng Nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng cùng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách.
“Các doanh nghiệp trong ngành đã tạo ra hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp nhiều khó khăn, rào cản về chính sách trong quá trình sản xuất kinh doanh,” ông nói.
Ông Việt chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã có gửi văn bản trình bày những khó khăn của ngành trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi mà trên thực tế 98% doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ, còn 2% doanh nghiệp không được hỗ trợ trong đó có doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát.”
Từ thực tế đó, ông Việt kiến nghị chính sách của Nhà nước cần có sự ổn định từ 5-10 năm để cho các doanh nghiệp trong ngành có thể xoay sở kịp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong ngành khi hoạt động đều nộp thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp nên khi gặp khó khăn thì cũng cần được hỗ trợ hay được lùi lại thời hạn đóng thuế.