Công ty thành xã hội thu nhỏ, lưu trú đến ngày thứ 7 thì căng thẳng đã gia tăng
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết hiện công ty có 280 cán bộ công nhân viên ăn, ngủ, làm tại chỗ.
Thuận lợi của Bidrico khi thực hiện 3 tại chỗ là tận dụng được hạ tầng sẵn có hơn 1.000 m2 để làm chỗ ở cho công nhân viên. Công nhân có nhà ăn rộng rãi đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách, có 39 phòng tắm đảm bảo nhu cầu cho gần 300 người, bố trí được 23 sân giặt giũ và hơn 120m2 để phơi đồ.
Thế nhưng, để có thể duy trì sản xuất theo quy định thì còn rất nhiều áp lực mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Theo ông Hiến, quan trọng hơn là ổn định tâm lý cho người lao động khi ăn, ở tại công ty 24/7. Lưu trú đến ngày thứ 7 thì áp lực, căng thẳng của cán bộ, công nhân viên bắt đầu gia tăng. Đó là chưa nói khi rất nhiều con người cùng ăn chung, ở chung thì nhiều vấn đề sẽ phát sinh. Những thói quen ăn uống, sinh hoạt của mỗi người mỗi khác nay đưa vào khuôn khổ chung không đơn giản.
Trước đó cán bộ công nhân viên sẽ không sử dụng điện thoại trong quá trình làm việc, nhưng nay xa gia đình điện thoại reo liên tục, công ty cũng phải linh hoạt. Doanh nghiệp bỗng trở thành một xã hội thu nhỏ với nhiều vấn đề phát sinh.
Đó là chưa kể hiện nay, khi tình hình diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cũng có nhiều lúng túng khó khăn. Ví dụ trước khi 3 tại chỗ, cán bộ công nhân viên phải xét nghiệm covid -19. Lúc xét nghiệm âm tính nhưng do bệnh ủ sau 7, 10 ngày mới phát hiện ra F0, thì xử lý như thế nào.
F0 hiện nay không phải phát hiện ra là được đưa đi cách ly hoặc điều trị ngay. Và khi chưa thể đưa đi ngay thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của hàng trăm lao động khác.
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc, lãnh đạo cũng quên ăn quên ngủ để chống dịch, nhưng chúng tôi là doanh nghiệp, mong được sự hỗ trợ của chính quyền sát sao hơn”, bà Chi chia sẻ.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, cho biết Hiệp hội liên tục lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, tổng hợp và kiến nghị đến UBND TPHCM. Ông cho rằng để thực hiện 3 tại chỗ thì điều khó nhất với doanh nghiệp là tìm kiếm mặt bằng đảm bảo chổ ăn, nghỉ, vệ sinh của hàng trăm công nhân.
Cũng theo ông Dũng, hiện doanh nghiệp đang dốc hết sức để thực hiện 3 tại chỗ nhưng kéo dài bao lâu cũng là vấn đề. Mỗi doanh nghiệp khi 3 tại chỗ sẽ là một xã hội thu nhỏ, với nhiều vấn đề phát sinh. Doanh nghiệp cần có sự tư vấn về quy chế thực hiện 3 tại chỗ theo từng ngành, để có thể áp dụng tốt nhất.
"Vẫn biết thời điểm hiện tại, việc chống dịch cần được ưu tiên hàng đầu, nhưng các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hết sức để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất", ông Dũng nói.
Bắt đầu tiếp cận các gói hỗ trợ
Ông Chu Tiến Dũng cho biết theo khảo sát nhanh với 100 doanh nghiệp thì 5 tháng đầu năm 2021 đều đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, việc gặp phải làn sóng dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 5 khiến tất cả đúng trước nhiều khó khăn.
Về tình hình tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Dũng cho rằng theo Nghị quyết 68 thì chưa có số liệu thực hiện của TP. Hiện Sở LDTBXH đang tập trung thực hiện Nghị quyết 09/NQ-HĐNDTP. Tổng số tiền đã chi đến ngày 18-7 là 387,82 tỷ đồng cho 5 đối tượng.
Tuy nhiên, với đối tượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trở cấp thất nghiệp mới chỉ hỗ trợ được 0,25%. Đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc, nghỉ không lương mới đạt 18,1%. Như vậy cần có giải pháp để phối hợp giữa doanh nghiệp và Sở LDTBXH để giải quyết cho đối tượng người lao động bị ngừng việc.
Theo ông Trần Văn Tiên, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội TPHCM, hiện nay ngân hàng chính sách xã hội đã bắt đầu nhận hồ sơ giải quyết cho doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động. Phía ngân hàng chính sách xã hội cũng đã có văn bản gửi các đầu mối, để chuyển tới người sử dụng lao động, nhằm hướng dẫn các bước thực hiện thủ tục vay.
Ông Tiên cũng tóm tắt chính sách vay trả lương cho người lao động ngừng việc để doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Theo đó, có hai trường hợp, một là cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động. Thứ hai cho vay để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn vay này không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% trong 12 tháng, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng và không quá 3 tháng cho một lao động.
Như vậy với những doanh nghiệp có vài trăm, vài nghìn công nhân thì khoản tiền vay cũng không nhỏ với lãi suất 0%.
"Tính đến ngày 19-7, đã có 8 đơn vị sử dụng lao động vay trả lương cho hơn 3.000 lao động. Ngân hàng chính sách xã hội mong có thể hỗ trợ nhiều hơn các đơn vị sử dụng lao động trong việc tiếp cận chính sách mới", ông Tiên cho biết.
Còn theo kiến nghị của bà Lý Kim Chi, vấn đề doanh nghiệp nào cũng mong mỏi hiện nay là sớm được tiếp cận nguồn vaccine, để người lao động yên tâm sản xuất. Do vậy, việc tiêm ngừa Covid-19 cho người lao động thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn cần được đẩy nhanh hơn.