2012 – năm “bản lề” tái cấu trúc nền kinh tế

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại 2 hội thảo lớn về dự báo kinh tế được tổ chức trong 2 ngày qua ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều khẳng định dù tình hình năm 2012 sẽ rất khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên hội nghị kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Ngoại giao và Tập đoàn truyền thông The Economist (Anh) phối hợp tổ chức hôm qua 11-1 lại chọn chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới”.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng nợ công… Quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu đang diễn ra ở mọi tầng nấc, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ở trong nước, Chính phủ đang quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định năm 2012 Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách, không chủ quan và không đánh giá thấp các rủi ro, thách thức phía trước, nhưng cũng lạc quan về các cơ hội đang mở ra.

Chính phủ Việt Nam không coi tăng trưởng là mục tiêu ưu tiên, mà cam kết sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn quan tâm tới tăng trưởng để bảo đảm việc làm và hiệu quả vốn doanh nghiệp.

Trước đó, tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Dự báo kinh tế giai đoạn 2012-2015", nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích Việt Nam hoàn toàn tìm được cơ hội phát triển trong thách thức mà năm 2012 và những năm tiếp theo đang đặt ra.

Theo đó, kinh tế thế giới suy giảm sẽ khiến kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra những cơ hội. Trước hết là các dòng vốn đầu tư rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi như Việt Nam - được đánh giá cao về kinh tế và ổn định chính trị, xã hội.

Và nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm ổn định, nước ta sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Bên cạnh đó, những mặt hàng nhu yếu phẩm do Việt Nam sản xuất vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu.

Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu kỹ những khó khăn của nền kinh tế thế giới để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được các lợi thế cho sự phát triển, đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2012 sẽ là “đáy” của cuộc khủng hoảng, đặt ra thách thức lớn nhất là làm sao ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát mà không bóp nghẹt sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh đầu tư giảm, thị trường xuất khẩu co hẹp…

Giải quyết bài toán này đòi hỏi sự uyển chuyển trong thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và tỷ giá. Mặt khác, các kịch bản kinh tế năm 2012 còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng nào và việc chúng ta chủ động ứng phó ra sao, nhưng chủ yếu tùy thuộc vào một số yếu tố.

Thứ nhất, sự đổi mới đồng bộ, nhanh chóng thể chế chính trị, kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở tư duy mới, thích ứng với mô hình tăng trưởng theo lý thuyết phát triển hiện đại, tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước, giải quyết có hiệu quả các điểm nghẽn tăng trưởng, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư với hành lang pháp lý đủ hấp dẫn trong việc hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, thu hút vốn đầu tư quốc tế hiệu quả hơn.

Nhiều dự báo đã được đưa ra, như Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015 do tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo tâm lý các nhà đầu tư “đã nguội đi nhiều” so với 10 năm trước vì những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là lạm phát cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có cải cách mạnh mẽ…

Trước thực trạng này, 2012 được coi là năm “bản lề” để tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào 3 trụ cột chính là: tái cơ cấu đầu tư, thị trường tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, Chính phủ chủ trương tạo môi trường thuận lợi nhất, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.

Các tin khác