Những ngày cuối tháng 4 sẽ diễn ra ĐHCĐ thường niên 2013 của gần 10 NHTMCP. Đến nay đã có một số NH công bố thông tin chuẩn bị cho đại hội, trong đó điểm gây sốc cho cổ đông không chỉ ở kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với năm 2011, mà còn vì kế hoạch lợi nhuận và chia cổ tức 2013 rất “bèo”. Nguyên nhân được NH đưa ra chủ yếu do nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng gia tăng…
Lợi nhuận giảm 50-70%
Điểm chung năm nay ở nhiều NHTMCP lớn là dù tốc độ tăng tổng tài sản, vốn huy động, tín dụng khá ổn định nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, tại Sacombank lợi nhuận giảm do trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của NHNN.
Trong đó, vốn điều lệ không đổi so với năm 2011, tổng tài sản tăng 8% so với cuối năm 2011, tổng nguồn vốn tăng 11% và dư nợ tăng 24% so với đầu năm 2011.
Nhưng do phải trích lập dự phòng rủi ro 2.054 tỷ đồng, tăng 1.424 tỷ đồng (2,3 lần) so với năm 2011 (630 tỷ đồng), nên lợi nhuận trước thuế còn lại 1.315 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch và giảm 52% so với năm trước.
![]() |
Khách hàng vay vốn tại MaritimeBank. Ảnh: LONG THANH |
Vì thế, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến trình ĐHCĐ ngày 25-4 chỉ 6% trên vốn điều lệ. Tuần qua, Techcombank đã tổ chức ĐHCĐ với kết quả lợi nhuận trước thuế 2012 chỉ đạt 1.018 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với những năm trước đây như 2009 là 2.253 tỷ đồng, năm 2010 là 2.744 tỷ đồng và 2011 là 4.221 tỷ đồng.
Các cổ đông đã thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận 2012 vào việc củng cố và phát triển, đưa số vốn chủ sở hữu lên 13.290 tỷ đồng. MaritimeBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2012 là 1.350 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 255 tỷ đồng (giảm hơn 70%), lợi nhuận sau thuế 226 tỷ đồng do phải dành hơn 700 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động NH này.
Về các NHTM nhà nước, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận 6.550 tỷ đồng, mức chi trả cổ tức 12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8% tổng dư nợ… Kết quả lợi nhuận hợp nhất 2012 của Vietcombank là 5.764 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch, tăng 1,17% so với 2011, nợ xấu khống chế ở mức 2,4%. BIDV báo cáo cổ đông kết quả lợi nhuận trước thuế 2012 là 4.325 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 10,8%.
Theo một lãnh đạo NHTM có lợi nhuận giảm gần 50%, dù lợi nhuận và cổ tức giảm nhưng điều này không quá bi quan, vì việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của NHNN sẽ là những tiền đề phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Gánh nặng trích lập dự phòng
Điểm nóng trong kế hoạch kinh doanh của các NHTM là biến động lớn về nhân sự cấp cao (HĐQT, ban tổng giám đốc), cắt giảm chi tiêu, tiết giảm bộ máy nhân sự. Năm nay, HĐQT MaritimeBank đề xuất cắt giảm 679 nhân sự, từ 4.879 còn 4.200 người. Vietcombank dự kiến lao động năm 2013 tăng không quá 10%, chọn lọc trong tuyển dụng để phục vụ cho mở rộng mạng lưới.
ACB, Sacombank sẽ cải tiến tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm nhân sự gián tiếp, tăng nhân sự cho hoạt động bán hàng.
Trong khi đó, nhiều NHTM đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2013 giảm so với năm trước, như Sacombank 2.800 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu không quá 3%, chia cổ tức dự kiến 9-10% vốn cổ phần; Vietcombank 5.800 tỷ đồng; BIDV 4.720 tỷ đồng; Techcombank 1.543 tỷ đồng, thấp so với bình quân nhiều năm gần đây…
MaritimeBank đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2013 tăng gấp hơn 3 lần, lên 863 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng tỷ lệ chia lợi tức cổ phần giữ nguyên mức 7% như năm ngoái. Còn TienphongBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 316 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2015 sẽ bù hết các khoản lỗ của năm 2012 (năm 2012 lợi nhuận NH này chỉ đạt 116 tỷ đồng, nợ xấu đến 3,66%).
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, lãi suất cho vay được các NHTM giảm dần theo hướng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong khi lãi suất huy động khó giảm thêm với biên độ lớn nhằm đảm bảo dòng vốn trong nền kinh tế chảy đúng định hướng, vì thế biên độ lãi năm nay sẽ tiếp tục bị thu hẹp.
Theo một lãnh đạo Vietcombank, thách thức lợi nhuận lớn nhất trong năm nay là các NHTM đang ở trong tình trạng “tồn kho vốn”, cho vay khó, dù lãi suất 6-9%/năm nhưng rất ít khách hàng vay vốn do chưa có triển vọng kinh doanh.
Hơn nữa, nợ xấu của hệ thống NHTM thời gian qua giảm nhanh, không phải do nền kinh tế chuyển động tốt lên, luân chuyển hàng hóa tốt, tồn kho giảm… mà do các NH đã dùng trích lập dự phòng rủi ro để xóa đi một phần nợ xấu. Điều này có nghĩa các NHTM đã đánh đổi lợi nhuận để giảm nợ xấu.
Do vậy, dù mặt bằng lãi suất có tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng vẫn là thách thức đối với hệ thống NH và nền kinh tế.
Gần đây, nhiều NHTM đã kiến nghị NHNN xem xét lộ trình triển khai Thông tư 02 chính thức có hiệu lực vào ngày 1-6-2013, nhằm giảm bớt áp lực lợi nhuận cho các NH. Các NH cho rằng với tác động của Thông tư 02, nợ quá hạn toàn hệ thống sẽ tăng cao, lợi nhuận của các NHTM sẽ bị ảnh hưởng, mức trích lập dự phòng cao.
Có NHTM nhà nước thừa tiền, nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của các chi nhánh trên địa bàn TPHCM sẽ tăng lên gần 8.000 tỷ đồng, tăng 6,9%, một tỷ lệ tăng rất lớn.
Tuần qua, lãnh đạo BIDV cũng có kiến nghị NHNN xác định lộ trình thực hiện Thông tư 02 nhằm không tạo ra cú sốc về phân loại và xử lý nợ xấu.
Đến nay, NHNN vẫn chưa có phản hồi chính thức về kiến nghị này, nhưng có thể thấy gánh nặng trích lập dự phòng theo Thông tư 02 sẽ tiếp tục là “hòn đá” lớn trì kéo lợi nhuận của các NHTM trong năm 2013.