2014 - Những sự kiện nổi bật

1 năm đã trôi qua, ĐTTC điểm lại những sự kiện nổi bật trên thế giới có tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.

1 năm đã trôi qua, ĐTTC điểm lại những sự kiện nổi bật trên thế giới có tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.

Tai nạn hàng không, phà

2014 có thể coi là năm buồn đối với lịch sử ngành hàng không thế giới, khi số người thiệt mạng và mất tích do tai nạn máy bay cán mốc 1.000 người. Chỉ riêng trong tháng 2 đã có 3 chiếc máy bay vận tải quân sự của Không quân Algeria, Nepal và Libya bị rơi khiến hơn 100 người chết.

Liên tiếp sau đó các quốc gia như Mexico, Lào, Ukraine, Ba Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Algeria, Ấn Độ và cả Việt Nam đón nhận hung tin về các vụ tai nạn máy bay thảm khốc, cướp đi sinh mạng hàng trăm người

Nổi bật nhất là việc mất tích bí ẩn của máy bay MH370 và vụ rơi máy bay MH17 cùng của Malaysia Airlines. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 8-3 khiến 239 người mất tích. Đến nay, việc tìm kiếm chiếc MH370 vẫn chưa có tiến triển.

Tiếp đó, ngày 17-7, chuyến bay MH17 hành trình từ Amsterdam, Hà Lan về Kuala Lumpur, Malaysia bị rơi ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng. Nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Một vụ tai nạn thảm khốc khác cũng gây chấn động thế giới. Ngày 16-4-2014, chiếc phà Sewol chở 476 người gặp nạn trên đường từ Incheon đến đảo Jeju của Hàn Quốc. Hơn 300 người đã thiệt mạng, trong đó khoảng 250 học sinh Trường Trung học Danwon.

Vụ chìm phà Sewol khiến người đứng đầu công ty khai thác tàu Sewol bị truy tố, Thủ tướng Hàn Quốc Jung Hong-won từ chức, trong khi Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố giải tán lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc.

Khủng hoảng Ukraine

Hàng loạt sự kiện liên tiếp như Tổng thống Victor Yanukovich bị lật đổ, trùm sôcôla Petro Poroshenko được bầu làm tổng thống mới; 2 tỉnh miền Đông Donbass và Donetsk quyết định ly khai, giao tranh giữa quân đội với phe ly khai kéo dài nhiều tháng làm hơn 4.300 người chết; tỉnh Crimea của Ukraine bỏ phiếu tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga gây những tác động khôn lường trong quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, làm dấy lên lo ngại châu Âu có thể chìm sâu hơn vào khủng hoảng khi nguồn cung cấp năng lượng quan trọng từ Nga qua Ukraine bị đe dọa. Cuộc khủng hoảng là nguyên nhân trực tiếp khiến Hoa Kỳ và châu Âu đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Nga cũng có những biện pháp trừng phạt đáp trả. Tình hình căng thẳng như một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai.

Lệnh cấm vận từ phương Tây khiến kinh tế xứ Bạch Dương rơi vào khó khăn, đồng rúp lao dốc dù Ngân hàng Trung ương Nga nhiều lần nâng lãi suất và tung ngoại hối để mua nội tệ. Nhiều người tin rằng khủng hoảng Ukraine dẫn đến việc Hoa Kỳ bắt tay với Ả rập Saudi để hạ giá dầu hòng hạ gục gấu Nga.

Dầu lao dốc

Từ tháng 6 đến nay, giá dầu thế giới giảm xấp xỉ 40%, từ trên 100USD/thùng xuống dưới 60USD/thùng. Nhiều dự báo năm 2015 giá dầu sẽ ở mức 50USD/thùng. Trong khi đó, OPEC vẫn cương quyết không cắt giảm sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ả rập Saudi - nước đứng đầu OPEC - khẳng định nếu giá dầu không thấp hơn 40USD/thùng, OPEC sẽ không thay đổi quyết định.

Giới phân tích nhận định OPEC quyết giữ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Hoa Kỳ. Giá dầu giảm đẩy kinh tế nhiều nước vào khó khăn. Nga thừa nhận thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm vì giá dầu sụt giảm. Các nước vùng Vịnh chưa tỏ dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng Brazil, Mexico và Venezuela sẽ gặp khó khăn kinh tế lớn.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ và hầu hết các nước trên thế giới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm.

FED chấm dứt QE3

Ngày 29-10-2014, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tuyên bố chấm dứt gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3). Các chương trình QE của FED là hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc tung hàng ngàn tỷ USD để mua trái phiếu. Điều này đã tạo ra dòng vốn rẻ, giúp nhà đầu tư tự tin hơn trong các hoạt động đầu tư.

3 vòng QE của FED đã góp phần giúp chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng khoảng 175% kể từ tháng 3-2009, trong khi chỉ số S&P 500 tăng gấp 3 lần trong cùng thời gian. Song song với việc chấm dứt QE3, FED cũng cho biết sẽ sớm nâng lãi suất USD trở lại từ mức cận zero hiện nay.

Động thái này có thể kích hoạt cho làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Thực tế, nhiều nước như Ấn Độ và Indonesia đã phải lao đao vì làn sóng rút vốn của các quỹ đầu tư toàn cầu kể từ khi FED tuyên bố chấm dứt QE3.

Đại dịch Ebola

Vào ngày 22-3, người ta phát hiện loại virus hoành hành ở một vùng rừng phía Nam Guinea và giết chết 59 người. Chỉ 5 ngày sau khi được ghi nhận tại một vùng rừng xa xôi, Ebola từ rừng sâu đã lan tới thủ đô của Guinea và đến ngày 31-3 xuất hiện ở Liberia.

4 tháng trôi qua kể từ khi Ebola được phát hiện, virus này đã lan tới 4 nước Tây Phi: Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1.300 và số người tử vong hơn 729. Tính cho đến thời điểm đầu tháng 12-2014, thế giới ghi nhận 16.001 trường hợp mắc virus Ebola, trong đó 5.738 người tử vong.

Sự bùng phát dữ dội của dịch Ebola đã đặt các nước châu Âu, châu Á vào tình trạng cảnh giác cao độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngành hàng không thế giới và gây tâm lý lo ngại trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và nhiều nước đã nhiều phiên đỏ sàn vì những tin tức có người mắc Ebola ở Hoa Kỳ hay những nước ngoài khu vực châu Phi.

(Tổng hợp)

Các tin khác