2019 -Các nền kinh tế mới nổi còn khó khăn

(ĐTTCO) - Năm 2019 hứa hẹn con đường tăng trưởng nhiều khó khăn hơn đối với các nước đang phát triển. Trên đây là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại (CEBR) nhận định về triển vọng kinh tế các khu vực trên thế giới trong năm nay. 

Theo tổ chức CEBR, trong cuộc đua để vượt qua các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, vốn khá chật vật trong năm qua, sẽ vượt qua các đối thủ một cách chậm hơn so với dự kiến. CEBR đánh giá Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2032, muộn hơn 2 năm so với kế hoạch, do chính sách tiền tệ nới lỏng và tỷ giá hối đoái thấp hơn trước.
Tại Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 4-1 đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, đồng thời giảm các loại thuế, phí trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Việc cắt giảm RRR nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ thúc đẩy "những điều chỉnh ngược chu kỳ" của các chính sách vĩ mô và cắt giảm hơn nữa các loại thuế, phí.
2019 -Các nền kinh tế mới nổi còn khó khăn ảnh 1 Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại vào cuối năm 2018. Ảnh: Reuters 
Trong năm 2018, Trung Quốc đã cắt giảm RRR 4 lần và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh trong năm 2019 để kích cầu trong nước và đối phó với chiến tranh thương mại. Các biện pháp trên được công bố trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,6% năm 2018 và 6,3% năm 2019. Theo các chuyên gia, do Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên các chính sách thương mại của Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển sang chính sách nới lỏng nhằm cứu vãn tăng trưởng.
Tương tự, Brazil được kỳ vọng sẽ vượt qua Italia vào năm 2020 chứ không phải năm 2018. Ấn Độ sẽ vượt qua Anh và Pháp có thể vào năm 2019 hoặc 2020, thay vì năm 2018 như dự đoán trước đó. Trong khi đó, Anh có thể sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 về tay Pháp vào năm 2019 do các vấn đề liên quan đến Brexit, nhưng sẽ lấy lại vị trí này vào năm 2023. CEBR cũng dự báo Ireland sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng cũng chỉ ra tiến trình Brexit sẽ là nguy cơ lớn đe dọa dự báo này. 
CEBR cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trì trệ hơn so với triển vọng trước đó. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh tới các thị trường thế giới, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu. Dự đoán tương lai của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đến năm 2033 cho thấy trong trung hạn, con đường tăng trưởng sẽ gập ghềnh hơn so với dự báo trước đó.
"Với mức nợ cao và nhiều vấn đề về cơ cấu gây ra đại suy thoái vẫn còn tồn tại. Thâm hụt tài chính trung bình của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ lên đến 5% vào năm 2020, cao hơn dự đoán 3,2% trước đó. Mức thâm hụt 5% có một chút mạo hiểm, nhưng các nền kinh tế phát triển đang có vị thế tốt hơn để đối mặt rủi ro chứ không phải các nước đang phát triển" - ông Douglas McWilliams, Phó Chủ tịch CERB, nhận định.
Tuy nhiên, không chỉ riêng các nước đang phát triển, thị trường các nước phát triển cũng được dự báo sẽ yếu đi trong năm 2019. Bởi động lực phục hồi của thị trường phát triển do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nắm vai trò chủ đạo đang dần suy yếu. 

Các tin khác