Ngoại thắng nội
Mặc dù khối ngoại liên tục mua ròng trong 2 năm qua (2018-2019), phần lớn hoạt động mua ròng diễn ra thông qua giao dịch thỏa thuận. Trong khi đó, giao dịch khớp lệnh ghi nhận bán ròng, gây ảnh hưởng trực tiếp lên chỉ số VN Index. Song, làn sóng bán ròng của khối ngoại trên sàn đã có phần chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong 2019. Thậm chí, khối ngoại đã mua ròng mạnh với gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng đầu năm 2019 và chuyển sang bán ròng do diễn biến thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng.
Nhưng dự báo năm 2020, hoạt động của khối ngoại trên sàn có thể tích cực hơn bởi những yếu tố sau: các quỹ ETF chủ chốt có khả năng tiếp tục thu hút tiền từ Thái Lan và Hàn Quốc; TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30%, khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; diễn biến thương chiến Mỹ - Trung đã có những khởi sắc; kỳ vọng nới room ngoại ở nhóm cổ phiếu (CP) tài chính đã hết room ngoại.
2020 kỳ vọng những ông lớn như HVN vừa tăng vốn vừa tiếp tục thoái vốn nhà nước.
Trong khi đó huy động tiền từ khối nội có thể gặp khó khăn khi các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp và vàng (tăng 14%) hay bất động sản đều có lợi nhuận nhỉnh hơn so với VN Index trong năm 2019. Mặc dù NHNN đã hạ trần lãi suất các kỳ hạn ngắn là một điểm tích cực để thị trường có thể thu hút dòng tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng, lãi suất huy động các kỳ hạn dài (trên 1 năm) vẫn đang ở mức cao. Ngược lại, điểm tích cực để thu hút dòng tiền nội năm 2020 là tăng trưởng lợi nhuận cao và hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa hồi phục.
Kênh hút vốn ETF
Kênh hút vốn ETF
Trong 2 năm qua, E1VFVN30 và VNM US ETF là 2 quỹ ETF hút tiền chính của thị trường. Nhiều khả năng E1VFVN30 sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền từ 2 NĐT chủ chốt là Thái Lan và Hàn Quốc. Nguyên nhân do lãi suất ở 2 quốc gia này đang ở mức thấp sau khi ngân hàng trung ương 2 nước này thực hiện những đợt cắt giảm lãi suất trong năm qua. Đặc biệt, nếu nhìn vào diễn biến của các chỉ số chính cho thấy VN Index (tăng 8,3%) đã mang lại lợi nhuận cao hơn trong năm vừa qua, so với KOSPI của Hàn Quốc tăng 6,3% và SET của Thái Lan chỉ tăng 0,6%.
Một trong những yếu tố được giới đầu tư kỳ vọng là dòng tiền của VNM US ETF khi mà S&P 500 đã có 1 năm tăng mạnh (tăng 26%). Mức tăng trưởng ấn tượng này khiến cho sức hấp dẫn của các thị trường khác bị hạn chế. Các NĐT đến từ châu Âu và Mỹ có thể có xu hướng đầu tư từ dưới lên (bottom-up approach) thay vì vào các ETF trong năm 2020.
Không chỉ thế, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI cận biên cũng sẽ được nâng lên đáng kể cuối tháng 5. Hiện nay vẫn chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này, nhưng hiện có một số quỹ cận biên đang so sánh với MSCI cận biên nên các quỹ hoàn toàn có thể chọn lọc mua các CP lớn và có thanh khoản của Việt Nam.
Sức hút đối với các quỹ ETF còn đến từ nỗ lực của các cơ quan quản lý, bằng việc cho ra mắt các bộ chỉ số mới như VN Diamond, VN Finselect và VN Finlead (tháng 11-2019). Các chỉ số này dự kiến sẽ được các quỹ xây dựng sản phẩm ETF nhằm thu hút đầu tư của NĐT vào các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Chẳng hạn, VN Finlead và VN Finselect được xây dựng dựa trên chỉ số ngành tài chính của HOSE là VNAllshare Financials Index, và bổ sung quy định giới hạn tỷ trọng vốn hóa của CP thành phần 15%. Theo kế hoạch, các quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số này sẽ được ký duyệt trong năm 2020. Mới đây, Công ty Quản lý quỹ SSIAM đã được ký duyệt ETF SSIAM VNFinlead, và dự kiến thực hiện IPO với quy mô dự kiến là 25-30 triệu USD.
Kỳ vọng thoái vốn
Kỳ vọng thoái vốn
Ngoài những yếu tố trên, nếu hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể sôi động trở lại trong năm 2020, giúp thị trường thu hút thêm tiền từ NĐTNN. Quá trình thoái vốn và cổ phần hóa diễn ra chậm chạp trong suốt cả năm 2019, chỉ có 2 doanh nghiệp nằm trong danh mục theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và 1 doanh nghiệp theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng thực hiện cổ phần hóa.
Như vậy, từ 2017 tới nay mới chỉ khoảng 28% kế hoạch thực hiện cổ phần hóa và vẫn còn 92 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trước 2021. Trong khi đó, chỉ có 13 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn thu về 1.839 tỷ đồng theo Quyết định 1232/QĐ-TTg. Lũy kế từ 2017 tới nay, số lượng doanh nghiệp thoái vốn mới chỉ đạt 8% kế hoạch đề ra.
Trước thực tế này, sau khi tiếp thu các ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Tài chính đã tiến hành sửa đổi các điểm nghẽn trong 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-CP và đã gửi lên Chính phủ. Trong trường hợp tích cực, dự thảo có thể được ban hành và có hiệu lực ngay đầu năm 2020, khi đó kỳ vọng hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ diễn ra sôi động trong quý II-2020. Tuy nhiên, khối lượng công việc năm 2020 sẽ rất lớn khi tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đang ở mức thấp. Do vậy, khả năng chỉ có một vài thương vụ thoái vốn và cổ phần hóa lớn có thể sẽ diễn ra trong năm 2020, chứ không ồ ạt như năm 2017.
Trong danh sách các doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, có một số tổng công ty và tập đoàn lớn. Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề xuất thoái 15% tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) trong giai đoạn 2019-2020, đồng thời thực hiện tăng vốn trong giai đoạn 2019-2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.
Ngoài ra một vài công ty lớn cổ phần hóa các năm trước như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Tổng công ty Điện lực dầu khí (POW) cũng có thể tiếp tục thoái trong năm 2020 sau khi thực hiện xong quyết toán sau cổ phần hóa. Về công tác cổ phần hóa, Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1) đang lựa chọn thời điểm phù hợp để xác định giá trị doanh nghiệp, trong khi Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) đã phê duyệt hồ sơ tư vấn từ các nhà thầu.
Kuwait gần như chắc chắn sẽ được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market Index trong tháng 5-2020. Với việc tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index chỉ khoảng 12,3% hiện nay, khả năng sẽ được nâng lên 30%. Khi đó quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng. |