1. Năm 2021, biến chủng Delta xuất hiện đã khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở TPHCM và các tỉnh lân cận rồi lan ra cả nước.
Phát huy tinh thần TP nghĩa tình, “vì cả nước, cùng cả nước”, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp TPHCM đã chung sức, chung lòng cùng với hệ thống chính trị TP tham gia các hoạt động phòng chống dịch, đóng góp sức người và sức của, từ triển khai các hoạt động thiện nguyện, hình thành các mô hình siêu thị 0 đồng, ATM oxy, đến đóng góp kinh phí, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất. Sau gần 5 tháng tập trung nhân lực, vật lực, ưu tiên phòng chống dịch, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Trung ương, sự hỗ trợ to lớn từ các bộ, ban ngành, địa phương, đến cuối tháng 9-2021, TPHCM đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
2. Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức trang trọng và thiêng liêng vào lúc 20 giờ ngày 19-11-2021.
Lễ tưởng niệm đã thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những đau thương của hàng vạn gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Các cơ sở tôn giáo cùng đánh chuông tưởng niệm và hàng triệu đồng bào các địa phương đã cùng thắp nến tưởng niệm.
3. TP Thủ Đức của TPHCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, áp dụng mô hình “TP trong TP” đầu tiên tại Việt Nam.
Việc thành lập TP Thủ Đức góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. TP Thủ Đức trong năm 2021 đã triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
4. Ngày 13-11-2021 Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, trong đó có nội dung tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TPHCM trong năm sau sẽ tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỷ đồng.
Với quy mô kinh tế chiếm gần 23% GDP cả nước, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế TPHCM. Do vậy, với sự tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM lên 21% sẽ giúp TP trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thêm nguồn lực để chi tiêu, hỗ trợ người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Điều này không chỉ mang lại tác động đối với TPHCM, còn lan tỏa tích cực đến nhiều địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như đóng góp vào sự phục hồi chung của cả nước.
5. Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa 10 ngày 19-10-2021 đã thông qua nghị quyết đồng thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Đây là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Dự án cũng phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia.
6. Năm 2021, TPHCM đã đưa ra các giải pháp quyết liệt thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư.
Trong đó, 10 giải pháp được đề ra, gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn TP; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về đầu tư công; nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho TP.
7. Không gian internet với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội (MXH) ngày càng có tác động lớn, chi phối đến đời sống con người, sinh hoạt thực của xã hội.
Bên cạnh những điều tốt, tích cực, mặt trái của MXH cũng ngày càng bộc lộ. Đó là các hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH; lan truyền tin giả, tin sai sự thật gây mất ổn định, bức xúc trong xã hội…
Tháng 6-2021, Bộ TT-TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai, kết hợp nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google... xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ các tin giả; nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
8. Nhiều vụ tiêu cực trong ngành y tế bị phanh phui.
Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y như Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn... Tháng 12-2021, Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Phan Quốc Việt- Tổng giám đốc CTCP Công nghệ Việt Á, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương... về hành vi thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 thu lợi hơn 4.000 tỷ đồng.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An, triệu tập hơn 30 cá nhân có liên quan để lấy lời khai.
9. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, diễn ra ngày 24-11-2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.