Hiện tại, ngày 19-1-2022 giá kim loại này đang giao dịch quanh mức 979USD/ounce, tương ứng tăng 10,5% kể từ đáy. Trong năm 2022, thị trường platinum kỳ vọng giá phục hồi nhờ vào triển vọng ngành sản xuất ô tô tiếp tục tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng chip bán dẫn năm 2020.
Nguyên nhân giảm giá trong năm 2021
Nguyên nhân giảm giá trong năm 2021
Giá platinum có sự tương quan nghịch cao với tỷ giá USD/ZAR (tiền Nam Phi) bởi Nam Phi chiếm 56% nguồn cung platinum của thế giới và chiếm tới 74% sản lượng tinh luyện platinum hàng năm.
Trong khi đó, sức mạnh của USD tăng trong năm 2021 do thị trường tài chính đón đầu kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2022. Tỷ giá USD/ZAR bắt đầu tăng kể từ tháng 6-2021 tới cuối tháng 12-2021, đã tạo áp lực giảm lên giá platinum trong nửa cuối năm. Mức tăng của USD/ZAR rất lớn, khoảng 22,4% từ đáy 13,37 lên đến 16,36 trong khoảng thời gian 6 tháng.
Bên cạnh tỷ giá, yếu tố cung cầu cũng tác động không nhỏ tới diễn biến khó khăn của giá platinum trong năm qua. Theo Hội đồng Đầu tư Platinum Thế giới, nguồn cung platinum trong năm 2021 ước tính 8,11 triệu ounce, tương đương tăng 19,1% so với mức 6,8 triệu ounce của năm 2020.
Nguồn cung tăng mạnh do hoạt động đẩy mạnh khai thác quặng tại Nam Phi với mức tăng 38% sản lượng so với năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của platinum giảm còn 7,35 triệu ounce, tương ứng giảm 4,9% so với mức 7,73 triệu ounce của năm 2020. Nguyên nhân nhu cầu suy giảm do sự trầm lắng trong hoạt động đầu tư của các quỹ ETF, cũng như sụt giảm đầu tư trên thị trường bán lẻ thỏi và xu platinum.
Cơ cấu cung-cầu platinum
Năm 2021, tổng nguồn cung platinum 8,11 triệu ounce, trong đó sản lượng tinh luyện 6,19 triệu ounce, lượng tái chế 1,98 triệu ounce, lượng tồn kho các nhà sản xuất giảm khoảng 0,05 triệu ounce. Sản lượng tinh luyện của Nam Phi trong năm 2021 là 4,55 triệu ounce, chiếm 74% sản lượng thế giới. Nếu tính thêm Zimbabwe, sản lượng platinum của châu Phi chiếm hơn 82% toàn cầu.
Trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ platinum trong ngành công nghiệp ô tô ước tính 2,7 triệu ounce, chiếm 37% tổng nhu cầu. Mức tiêu thụ này tăng 14,3% so với mức 2,37 triệu ounce của năm 2020. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của các ngành khác cũng đều tăng trưởng, như trang sức tăng 5%, hóa công nghiệp 10,9%, dầu khí 65%, điện 6,3%, kiếng 71,6%…
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các ngành cũng không bù đắp được nhu cầu sụt giảm mạnh trong lĩnh vực đầu tư (gồm các quỹ ETF, bán lẻ thỏi và xu platinum). Theo đó, nhu cầu đầu tư trong năm 2021 chỉ ở mức 225.000 ounce, tương ứng giảm 85,5% so với mức 1,55 triệu ounce của năm 2020.
Trông chờ vào đà phục hồi của ngành ô tô
Theo Hội đồng Đầu tư Platinum Thế giới, cán cân cung - cầu trong năm 2022 vẫn nghiêng về thặng dư. Theo đó, nguồn cung dự báo khoảng 8,24 triệu ounce, tương ứng tăng 1,5% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng tinh luyện khoảng 6,2 triệu ounce, lượng tái chế khoảng 2 triệu ounce. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ khoảng 7,6 triệu ounce, tương ứng tăng 3,4% so với năm 2021.
Nhu cầu tiêu thụ tăng chủ yếu nhờ vào kỳ vọng phục hồi của ngành công nghiệp ô tô với nhu cầu khoảng 3,24 triệu ounce, tăng 19,7% so với mức 2,7 triệu ounce của năm 2021. Nhu cầu đầu tư vào platinum vẫn rất thấp, dự báo khoảng 302.000 ounce. Tuy đầu tư dự báo tăng 34,2% so với năm 2021, nhưng mức này vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 1,55 triệu ounce đầu tư của năm 2020. Hầu hết phân ngành còn lại đều dự báo nhu cầu tiêu thụ đi ngang hoặc giảm, cụ thể trang sức (-1,3%), hóa công nghiệp (-6,3%), kiếng (-52,1%)…
Như vậy, yếu tố hỗ trợ duy nhất đối với thị trường platinum là sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô, nhưng sự phục hồi của ngành này vẫn là dự báo không chắc chắn. Một số chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ chưa phục hồi hoàn toàn trong năm 2022 do tình trạng thiếu chip bán dẫn còn kéo dài đến đầu năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu từ đầu tư platinum gần như chắc chắn không có đột biến.
Bởi lẽ, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào kim loại quý như vàng và platinum khi ở trong môi trường lãi suất thấp. Nhưng với lộ trình tăng lãi suất của Fed trong năm 2022, dự kiến xu hướng đầu tư vào platinum nói riêng và thị trường kim loại quý nói chung vẫn còn ảm đạm.
Thêm vào đó, yếu tố tỷ giá USD/ZAR cũng không hỗ trợ cho giá platinum do giá trị đồng USD dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đà tăng của USD/ZAR cũng chững lại trong nửa sau của năm 2022, nên giá platinum có thể tăng trong 6 tháng cuối năm 2022. Kỳ vọng giá platinum tăng mạnh nếu có sự thay đổi trong dự báo cung cầu của Hội đồng Đầu tư Platinum Thế giới trong báo cáo dự kiến phát hành vào tháng 2-2022. Biết đâu gió sẽ đổi chiều.