Khởi đầu gian nan
Thời điểm đầu năm 2018, CTCP Đầu tư thế giới di động (MWG) đặt kế hoạch đầy tham vọng với 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh, phủ kín “hang cùng ngõ hẹp” tại TPHCM. Tuy nhiên, mô hình cửa hàng nhỏ nằm trong khu dân cư dần lộ ra những bất cập. Doanh thu trung bình/cửa hàng giảm mạnh từ 730 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2017 xuống còn 570 triệu đồng/tháng trong tháng 2-2018. Lãnh đạo MWG nhanh chóng nhận ra vấn đề và thay đổi chiến lược mở cửa hàng từ quý II.
Theo đó, cửa hàng mới sẽ có quy mô từ vừa đến lớn, nằm trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư để có thể thu hút lượng khách lớn và nhận diện thương hiệu tốt hơn. Thêm vào đó, mô hình “thịt tươi - cá lội” cũng được phổ biến để tạo khác biệt so với các chuỗi siêu thị mini khác.
Kết quả của sự thay đổi trên là doanh thu trung bình tăng mạnh lên 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 11, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12% lên 17% trong cùng giai đoạn, đã giúp chuỗi Bách Hóa Xanh tiến rất gần tới điểm hòa vốn. Những cải thiện trên cho thấy tương lai khả quan hơn của Bách Hóa Xanh trong năm 2019, cho dù MWG không đạt mục tiêu về số cửa hàng trong năm nay (tổng số cửa hàng chỉ đạt hơn 400 cho đến hiện tại).
Cũng đối mặt với tình trạng bão hòa của bán lẻ di động, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đã lấn sân sang mảng bán lẻ dược phẩm bằng việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2018, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FRT, cho biết sau 1 năm tham gia chuỗi Long Châu đã tăng gấp đôi số cửa hàng dược phẩm này. Cụ thể, thời điểm FRT bắt đầu đầu tư vào Long Châu, chuỗi nhà thuốc chỉ đạt 5 cửa hàng.
Chưa dừng lại, kế hoạch năm 2018 công ty sẽ mở thêm 20 nhà thuốc tại khu vực TPHCM và con số tiếp theo là 100 cửa hàng/năm. Theo kế hoạch, doanh thu lĩnh vực dược phẩm sẽ được đưa vào doanh thu chung của FRT từ năm 2019. Ước tính, trong khoảng 3 năm tới mảng này sẽ đóng góp 30-40% tổng doanh thu cho FRT. Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ NĐT mới đây, lãnh đạo FRT dự báo chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ lỗ khoảng 10-15 tỷ đồng trong năm 2019.
Do thị trường gần như bão hòa, Thế giới di động phải chuyển dần qua Điện máy xanh.
Hy sinh lợi nhuận
Dù bắt đầu ghi nhận được các dấu hiệu tích cực, nhưng trên thực tế Bách Hóa Xanh vẫn chưa đóng góp nhiều vào hiệu quả kinh doanh của MWG. Theo kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2018, MWG vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 34% doanh thu và 33% lợi nhuận sau thuế, nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của Điện Máy Xanh với 55% doanh thu.
Tính đến tháng 11, MWG đã mở mới 104 siêu thị, trong đó khoảng 1/3 được chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động để tăng doanh thu. Từ đó, doanh thu Điện Máy Xanh tăng 65%, còn Thế Giới Di Động chỉ tăng 1%. Do thị trường điện thoại đã gần bão hòa, còn thị trường điện máy vẫn tăng trưởng 20% trong 2018, MWG vẫn sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi cửa hàng trong năm 2019.
Tương tự, trước sự chững lại của mảng điện thoại di động, FRT vẫn tìm được cách để tăng doanh thu mặt hàng này bằng việc xúc tiến 2 chương trình trả góp đặc biệt: F.friends và Subsidy. Hiện 2 chương trình này đang đóng góp gần 10% doanh thu cho FRT, và là một trong những trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong năm 2019.
Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này, FRT phải chấp nhận hy sinh một phần biên lợi nhuận để đẩy mạnh doanh thu. Theo báo cáo tài chính quý III-2018, biên lợi nhuận gộp trong kỳ của FRT giảm từ 14% (cùng kỳ năm 2017) xuống còn 13,3%.
Một doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết khác là CTCP Thế giới số (DGW), dù ghi nhận kết quả chung rất tích cực, nhưng ở lĩnh vực kinh doanh mới là ngành hàng tiêu dùng lại khiến cổ đông quan ngại. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III-2018, doanh thu thuần đạt 1.742 tỷ đồng (tăng 52%), lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng (tăng 31%). Trong đó, các mặt hàng di động như máy tính bảng, máy tính xách tay và điện thoại di động đóng góp lớn nhất.
Tuy nhiên, mảng tiêu dùng được xem là hướng đi chiến lược mới của doanh nghiệp lại có xu hướng giảm, trong khi chi phí hoạt động lại tăng hơn 70%. Đây là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp của DGW giảm xuống chỉ còn 5,9% (cùng kỳ năm 2017 đạt 7,2%).
Dù ghi nhận được kết quả tích cực, nhưng diễn biến giá của nhóm CP bán lẻ vẫn không thể khởi sắc như kỳ vọng. Cụ thể, tính từ đầu năm 2018 đến nay FRT giảm 21%, MWG giảm 21%, DGW giảm 18% (so với thời điểm giữa tháng 4). |