(ĐTTCO) - Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016 Chính phủ đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều cải cách, đột phá thông qua việc ban hành 3 nghị quyết 19 (NQ19). Quyết tâm này bước đầu đã mang lại kết quả tích cực song mục tiêu lọt vào tốp 4 môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hấp dẫn nhất ASEAN vẫn chưa đạt được, thậm chí có những chỉ số cải cách đang giật lùi và tụt hạng.
Những chuyển biến bước đầu
Báo cáo kết quả thực hiện các NQ19 cho thấy sau 3 năm thực hiện cải cách, môi trường kinh doanh của nước ta tăng 9 bậc từ (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số thăng hạng. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Với 10 chỉ số được xếp hạng và công bố trong Doing Business 2017, Việt Nam có 5 chỉ số thăng hạng, gồm: bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc, từ vị trí 118 lên 87; giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc, từ vị trí 108 lên 93; nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, thời gian được rút ngắn 230 giờ, từ 770 giờ xuống còn 540 giờ; tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc do rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng từ 59 ngày xuống 46 ngày; giải quyết phá sản DN tăng 1 bậc.
Thực tế, sự chuyển biến lớn nhất trong thực hiện NQ19 3 năm qua là sự vào cuộc của một số bộ, ngành, địa phương. Thí dụ, tỉnh Quảng Ninh đã rút ngắn thời gian thành lập mới DN tối đa không quá 2 ngày; thời gian cấp phép xây dựng không quá 45 ngày đối với các thủ tục liên quan đến ngành xây dựng; thời gian tiếp cận điện năng của các DN được rút ngắn xuống còn 28 ngày.
Đây là những tín hiệu cải cách mạnh mẽ, vượt qua mục tiêu NQ19 đã đề ra. Không chỉ vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh còn đa dạng kênh tiếp nhận, xử lý kiến nghị và giải quyết phản hồi của DN, giảm 45-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Một địa phương khác cũng khá thành công trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là Hà Nội. Trong năm 2016 Hà Nội đã đẩy mạnh việc đăng ký thành lập DN qua mạng, rút ngắn thời gian thành lập DN mới còn 2 ngày; phấn đấu 100% DN được đăng ký thành lập qua mạng, chỉ tiêu khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 98,33%, đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98,2% và 100% thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội được tiếp nhận, trả kết quả thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử…
Để đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, Hà Nội đang thí điểm thực hiện liên thông, giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn 20-60% thời gian thực hiện so với quy định.
![]() |
Đến nay môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa đạt mức trung bình ASEAN 4. |
Nhiều chỉ số tụt hạng
Mặc dù cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều bộ, ngành, địa phương chưa cải cách thực chất theo tinh thần NQ19. Trong số 13 nhóm giải pháp tổng thể và 83 nhiệm vụ cụ thể được Chính phủ nêu trong NQ19 năm 2016, chỉ có 35 giải pháp, nhiệm vụ được thực hiện có kết quả, chiếm tỷ lệ 42,2%; 20 giải pháp thực hiện chưa có kết quả rõ ràng, chiếm tỷ lệ 24%; 28 giải pháp được thực hiện, chiếm 33,7%.
Theo Bộ KH-ĐT nhiều địa phương chưa bám sát NQ19, chưa đạt được kết quả rõ ràng như Thanh Hóa, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Bình, Nam Định… Nhiều tỉnh sau nhiều tháng NQ được ban hành mới có kế hoạch hành động như Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Sơn La, Cà Mau…
Đáng lưu ý, đến nay môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn chưa đạt mức trung bình ASEAN 4, thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt trung bình ASEAN 6. Trong bảng xếp hạng Doing Business 2017 có 5/10 chỉ số của Việt Nam giảm bậc, như khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng, đứng vị trí 121 trong tổng số 190 quốc gia; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan giảm 3 bậc; tiếp cận tín dụng giảm 3 bậc; đăng ký sở hữu tài sản giảm 1 bậc và giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 1 bậc. Các chỉ số này giảm do không có cải cách nào được tiến hành, hoặc do các nước trong bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh cải cách mạnh mẽ hơn, nhanh hơn.
Ngoài ra, theo khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, năm 2015 thứ hạng của Việt Nam là 60/138 nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2014. Thứ hạng này của Việt Nam đứng sau hầu hết các nước ASEAN, ngoại trừ Lào và Campuchia.
Rõ ràng việc thực hiện NQ19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và kết quả của quá trình thực thi. Trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.