3 tại chỗ không thể kéo dài

(ĐTTCO) - Để thích nghi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong nước đã nỗ lực thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ” (3T).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế và không thể kéo dài, khi thực tế thời gian qua cho thấy các chi phí và rủi ro từ 3T đã thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của DN.
Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 100 DN hội viên ngành gỗ về tình hình thực hiện 3T, kết quả có 71 DN thực hiện 3T, 29 DN đóng cửa, một số ca F0 đã xuất hiện tại một số DN. Theo phản ánh của các DN, việc sản xuất theo mô hình 3T khá tốn kém và nhiều khó khăn như nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung, DN phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân như thế nào trong thời gian ngắn, vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất, lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy.
Nhiều DN cho biết vẫn buộc phải duy trì sản xuất vì nếu nhà máy đóng cửa, nghỉ dịch thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy, công nhân mất việc, không có thu nhập sẽ để lại nhiều hệ lụy, dù cho thực tế chi phí đội lên rất nhiều.
Ngành gỗ đang được xem là “điểm sáng” về xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nặng nề và suy giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 6-2021 lập mức kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu trong 1 tháng, đạt 1,558 tỷ USD, tăng 10,2% so với trước đó và tăng 64,51% so với tháng 6-2020.
Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 1,234 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng 5-2021 và tăng 60,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 2 quý đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của nước ta đạt 8,205 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021. 
Tuy vậy, nhiều ý kiến lo ngại những kết quả này có thể sẽ không được lặp lại trong những tháng cuối năm khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đang “tấn công trực diện” vào các DN gỗ. Tại Đồng Nai, khảo sát nhanh 50 DN ngành gỗ thì có hơn 60% DN buộc phải tạm dừng sản xuất do công nhân bị cách ly, phong tỏa, trong khi việc bố trí sản xuất 3T đang gặp nhiều khó khăn, 30% DN đang duy trì sản xuất nhưng cầm chừng vì phải tổ chức giãn cách để đáp ứng các đơn hàng đã ký.
Theo các chuyên gia, giải pháp 3T mà các DN ngành gỗ đang thực hiện cũng chỉ nên xem là giải pháp tình thế. Bởi khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, lượng người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng lên đến hàng chục ngàn người, thì khi DN thực hiện 3T cũng như những “ốc đảo” giữa làn sóng dịch, có thể bị lây nhiễm vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, biến thể delta mới của virus khiến tỷ lệ lây nhiễm cao, lan qua không khí rất dễ dàng. Lúc này, mô hình 3T của DN chắc chắn sẽ “vỡ trận”.
Trước thực trạng trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vietfores cho rằng đã đến lúc cần xem xét và điều chỉnh lại chính sách 3T, thay vào đó là những giải pháp có tính lâu dài và hiệu quả hơn đối với các DN ngành gỗ trong ứng phó với dịch Covid-19. Cụ thể, Chính phủ nên cân nhắc thực hiện sản xuất theo 3T, đồng thời có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế đối với các DN đang nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Hiện tại, 60% DN trong ngành tại 4 trung tâm chế biến gỗ đang nỗ lực duy trì sản xuất theo phương án 3T nhưng gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh DN đã kiệt quệ bởi dịch bệnh kéo dài, chi phí đầu vào tăng cao, bao gồm chi phí phòng chống dịch trong DN. 
Vietfores và các hiệp hội gỗ đã tính đến khả năng nếu một DN có ca F0, số ca lây lan trong DN thực hiện 3T sẽ rất nhanh, gây hệ lụy rất lớn khi doanh nghiệp trở thành ổ dịch. Khi đó, việc áp dụng 3T dù ban đầu các DN có xét nghiệm Covid-19 rất kỹ thì cũng không tránh khỏi việc có thể xuất hiện các ca nhiễm. Lúc này, điều DN lo lắng không chỉ là việc duy trì sản xuất như thế nào mà là những gánh nặng chi phí lẫn rủi ro và cả áp lực dư luận đè lên DN ngành gỗ.

Các tin khác