'Khát' cổ đông dự đại hội

Chưa nói tới việc mổ xẻ tình hình kinh doanh năm qua, tìm kiếm sự cảm thông từ cổ đông, thì việc huy động đủ cổ phần có quyền biểu quyết hiện là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Chưa nói tới việc mổ xẻ tình hình kinh doanh năm qua, tìm kiếm sự cảm thông từ cổ đông, thì việc huy động đủ cổ phần có quyền biểu quyết hiện là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải kho bãi cho biết, điều ông lo lắng nhất là đại hội cổ đông vào tháng 4 khó có thể diễn ra ngay lần triệu tập đầu tiên. Năm ngoái, công ty tổ chức lần 2 và chỉ cần đạt tỷ lệ 51% là đủ. Tuy nhiên, phải lùi lại 30 phút so với dự kiến, đại hội mới có đủ số cổ phần biểu quyết theo luật định.

Ông chia sẻ, kinh doanh 2011 khó khăn hơn trước, lỗ nhiều hơn dự kiến và cổ phiếu có khả năng bị tạm ngừng giao dịch do thua lỗ 2 năm liền. "Tài chính vốn chật vật nên đại hội cổ đông suôn sẻ ngay lần đầu sẽ tiết kiệm nhiều chi phí. Song, để đạt tỷ lệ 65% ngay ở đợt đầu tiên không dễ dàng chút nào", ông nói.

Chính vì vậy, vị lãnh đạo này cho rằng, chưa nói tới việc mổ xẻ tình hình kinh doanh năm qua, tìm kiếm sự cảm thông từ cổ đông, thì việc huy động đủ cổ phần có quyền biểu quyết hiện là thách thức lớn với doanh nghiệp.

Mấy năm liền, đại hội CTCP đầu tư và phát triển Sacom (SAM) phải dời sang lần 2, lần 3 mới thành công. Song, Tổng giám đốc Đỗ Văn Trắc cho biết hiện chưa tìm ra cách để khắc phục. Do đó, cứ tới mỗi kỳ đại hội là toàn bộ nhân viên được huy động, chạy đôn chạy đáo tìm cách liên hệ với cổ đông bằng mọi hình thức. Tuy nhiên, do số lượng cổ đông lớn (trên 14.000), lại phân tán khắp vùng miền và hầu hết là cổ đông nhỏ lẻ nên số người sẵn sàng gác lại công việc, về TPHCM dự đại hội ở lần 1 không cao như kỳ vọng.

"Những người điều hành phải chịu áp lực lớn để hoàn thành các chỉ tiêu như đã cam kết. Vì vậy, mỗi cổ đông nên có ý thức làm tròn nghĩa vụ của mình, ít ra cũng nên đến dự đại hội để biết doanh nghiệp mà mình đầu tư hoạt động như thế nào. Đây cũng là dịp để chất vấn ban lãnh đạo", ông nói.

Không tổ chức đại hội theo kiểu trực tuyến như năm ngoái vì hiệu quả chưa như mong đợi và chi phí cao, năm nay CTCP cơ điện lạnh (REE) chỉ tổ chức duy nhất ở một địa điểm TPHCM.

Song, thay vì gửi thư mời, công ty thiết kế mẫu bưu thiếp đẹp về hình thức khiến ai cầm cũng không nỡ vứt đi và đơn giản về nội dung, chứ không phải cả xấp giấy. Trong tấm bưu thiếp này ghi rõ thông tin đại hội tháng 4 sắp tới, nếu cổ đông bận, muốn ủy quyền cho công ty chỉ cần khoanh ô rồi gửi bưu thiếp này lại ở bất kỳ thùng thư nào. Trên thiệp cũng có chỉ dẫn cần thiết để nhà đầu tư vào website công ty xem tài liệu hoặc ủy quyền.

Cùng với chiêu thức này, nhân viên sẽ nhắc nhở cổ đông bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin để tham dự đúng thời gian. Giám đốc đầu tư Nguyễn Quang Quyền cho biết, mỗi năm, công ty sẽ nghĩ ra cách khác nhau để huy động đủ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự để đại hội diễn ra ngay lần đầu.

Theo ý kiến của ông Cáp Trọng Tuấn, Tổng giám đốc CTCP container phía Nam (VSG), nếu chỉ cần 51% thì đại hội cổ đông lần 1 vẫn được diễn ra sẽ có lợi cho doanh nghiệp hơn, thay vì yêu cầu tới 65%. Bởi cứ tới kỳ đại hội là công ty lại lo lắng không đủ người tham dự, lại trì hoãn sang các lần khác, gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.

Nắm bắt nhu cầu này, mới đây Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cung ứng gói dịch vụ EzGSM - Đại hội cổ đông trực tuyến, gồm 3 phần: hệ thống trực tuyến (đăng ký đại biểu, ủy quyền dự, biểu quyết, bầu cử…), hỗ trợ tổ chức tại ngày đại hội (đăng ký đại biểu, tiếp nhận ủy quyền...), hỗ trợ xây dựng kịch bản.

Theo đó, cổ đông biểu quyết online và đăng nhập mã đại biểu, chứ không cần đến nơi. Doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán tỷ lệ biểu quyết tại đại hội lần đầu. "Hiện nhiều công ty đã dùng dịch vụ này để tổ chức đại hội cổ đông năm nay", lãnh đạo FPTS nói.

Các tin khác