'Nóng' vay vốn liên ngân hàng

Hai tuần trở lại đây doanh số giao dịch liên ngân hàng VND đều đạt trên 200.000 tỷ đồng/tuần, tăng mạnh so với trước. Tuy nhiên lãi suất trên thị trường vẫn ổn định.

 Hai tuần trở lại đây doanh số giao dịch liên ngân hàng VND đều đạt trên 200.000 tỷ đồng/tuần, tăng mạnh so với trước. Tuy nhiên lãi suất trên thị trường vẫn ổn định.

 

Lãi suất vẫn ổn định ở 15-16% một năm, song hầu hết các nhà băng đều rất khó vay vốn từ thị trường liên ngân hàng. Càng gần Tết Nhâm Thìn, sức nóng của thị trường này càng tăng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tuần trở lại đây, giao dịch liên ngân hàng bằng cả VNĐ và USD quy đổi đều tăng so với trước. Mới nhất, tuần cuối cùng của tháng 12-2011, giao dịch bằng VNĐ đạt hơn 258.000 tỷ đồng và gần 119.000 tỷ đồng bằng USD quy đổi. Trước đó, tuần từ 17 đến 23-12, doanh số đạt 205.000 tỷ đồng và hơn 109.000 tỷ đồng quy đổi từ USD.

Nếu các tuần đầu tiên của tháng 12 hay tháng 11 phổ biến ở mức 170.000 - 180.000 tỷ đồng thì nay lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ngày càng có xu hướng tăng lên.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, liên ngân hàng đang "nóng", song mức độ cũng như tính chất khác hoàn toàn so với đợt dậy sóng cách đây khoảng 1 - 2 tháng. Thời điểm đó, lãi suất liên ngân hàng dội cao lên 30 - 40% một năm. Thậm chí, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hôm 7-12, lãi suất các ngân hàng cho nhau vay ở kỳ hạn 12 tháng đã vượt 36,5% một năm.

Còn nhiều ngày gần đây, lãi suất trên thị trường này vẫn khá ổn định, phổ biến ở 15 - 16% một năm. Song việc vay vốn không chỉ "khó mà còn khổ", vì có những đơn vị có tài sản đảm bảo cũng không vay được vốn từ các đơn vị có tiền. Thời điểm này, nhiều nhà băng thừa tiền cũng không dám giải ngân. Nếu có, kỳ hạn cho vay thường ngắn, phổ biến 3 tuần trở lại, đồng thời bên đi vay phải có tài sản đảm bảo nợ thật chắc chắn.

"Chính các ngân hàng có tiền cũng phải dự phòng nguồn vốn hoạt động cho những ngày sắp tới, nên không thể vung tay cho vay nhiều và kỳ hạn dài được. Quy luật vốn từ chỗ thừa chảy sang chỗ thiếu cũng không còn đi theo quỹ đạo bình thường", ông nói.

Căng thẳng trên thị trường 2, theo nhìn nhận của lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội, xuất phát từ việc các ngân hàng phải dự trữ vốn để năm sau hoạt động. Ông cho biết, hiện nay, việc tiếp cận nguồn từ Ngân hàng Nhà nước không dễ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chung nhận định khi cho rằng, trần lãi suất huy động bị một số đơn vị đẩy lên tới 21% trong những ngày gần đây cũng xuất phát một phần từ sự "nóng" thanh khoản trên thị trường 2. Ngoài ra, trên thị trường liên ngân hàng không chỉ diễn ra hoạt động cho vay, mà còn có cả việc huy động lách lãi suất để thu lợi.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết, khó vay liên ngân hàng, cộng thêm việc huy động vốn từ dân cư không dễ, là hai trong số nhiều nguyên nhân khiến một số ngân hàng vượt trần lãi suất huy động. Khi vốn trên thị trường liên ngân hàng căng thẳng, các ngân hàng không tin tưởng nhau để cho vay, một vài đơn vị chỉ còn cách quay về "làm liều" ở thị trường một (huy động từ dân cư), ông bày tỏ.

Theo ông, cần phải giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần xác định tính hành chính của văn bản, để kịp thời điều chỉnh đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trần. Mục tiêu là đến cuối năm 2012 đưa lãi suất huy động về dưới 10%, do đó, theo chuyên gia này, cần phải buộc các ngân hàng tuyệt đối thượng tôn pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, nếu ngân hàng khó khăn lớn, cần bơm tiền để giải quyết thanh khoản. Cũng theo ông, khi các ngân hàng không còn lòng tin với nhau, Ngân hàng Nhà nước nên đóng vai trò đầu mối để hoạt động thông suốt hơn.

Các tin khác