Lịch sử suy thoái
Trong 12 năm qua, chúng ta đã trải qua 2 đợt khủng hoảng lớn và 1 đợt suy thoái nhẹ, với 3 dạng hồi phục khác nhau. Như trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 (do tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới), có thể thấy khởi đầu là sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, khi để tín dụng tăng quá mạnh (+51% năm 2007) gây ra lạm phát phi mã trong năm 2008 (+20%).
Cuối 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nhưng vấn đề tiền tệ đã không được đánh giá đúng mức. Do không rút ra được bài học này, vài năm sau Việt Nam đã lặp lại sai lầm.
Trong khủng hoảng kinh tế 2011-2012, nguyên nhân chủ yếu do cả tài khóa và tiền tệ đều bị nới lỏng quá mức (năm 2008 chỉ có tiền tệ). Để kích thích kinh tế, Việt Nam đã đưa ra gói tín dụng 1 tỷ USD. Tăng trưởng tín dụng 2009 lại vọt lên 38%. Điều đáng nói, gói tín dụng này không rõ ràng nên dòng vốn bị phân tán nhiều sang các tài sản đầu cơ. Chi ngân sách cũng tăng mạnh, đẩy thâm hụt ngân sách năm 2009 lên 6,9% GDP (cao hơn so với kế hoạch là 4,82%).
Nhiều khoản chi từ ngân sách đã sử dụng không hiệu quả. Tỷ lệ nợ công từ dưới 50% GDP (trước 2010) lên đỉnh 63,7% vào 2016. Do bơm tiền quá mạnh bằng cả tín dụng và tài khóa, lạm phát năm 2011 đã vọt lên 18%. Hệ quả, chính sách tiền tệ và tài khóa sau đó đã buộc phải thắt chặt. Khẩu hiệu “ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát” cũng ra đời trong giai đoạn này.
Gần đây nhất là đợt suy thoái nhẹ giai đoạn 2016-2017. Quý I-2016, có 2 nhân tố chính kéo giảm tăng trưởng: (i) khô hạn do Elnino, ngành nông nghiệp đã tăng trưởng âm; (ii) giá dầu giảm, trữ lượng dầu giảm và căng thẳng biển Đông làm ngành khai khoáng tăng trưởng âm.
Bước sang quý I-2017, sự cố Samsung Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016 đã làm ngành công nghiệp điện tử giảm mạnh. Ngành này có tỷ trọng rất lớn nên đã kéo giảm tăng trưởng chung (xuất khẩu của riêng điện thoại năm 2016 đã chiếm tới 17% GDP). Ngoài ra, nhóm ngành khai khoáng cũng giảm sâu ở mức -10%.
4 mô hình phục hồi
Dựa trên 2 biến số cơ bản là diễn biến dịch bệnh và năng lực ứng phó, có thể đưa ra 4 mô hình hồi phục tương ứng với các điều kiện xảy ra (các điều kiện này có thể xảy ra đồng thời hoặc không), đó là kinh tế phục hồi theo các mô hình chữ V, U, L và W.
Mô hình chữ V được dự báo diễn ra khi dịch kết thúc trong quý II, các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt, cải cách thể chế mạnh mẽ và kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch. Mô hình chữ U đối với khả năng dịch kết thúc trong quý III, các biện pháp kích thích gần chạm ngưỡng nhưng còn tương đối hiệu quả, cải cách thể chế được thực thi ở một số khu vực và kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái nhưng hồi phục chậm.
Trong khi đó, mô hình chữ L sẽ tương ứng với khi dịch kết thúc trong quý III hoặc quý IV, các biện pháp kích thích không đủ hoặc không hiệu quả, các cải cách chậm thực thi hoặc không hiệu quả, có thể khủng hoảng kép (từ dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng tài chính) và kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, phục hồi rất chậm.
Trong kịch bản dịch bệnh kéo dài, kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình chữ W. Đó là dịch kết thúc trong quý II nhưng bùng lại vào đầu năm 2021 và các biện pháp kích thích và cải cách mang lại hiệu quả tốt trong năm 2020, tạo dư địa cho năm 2021.
Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là mô hình chữ V. Thực tế các dịch cúm trước đây đều kết thúc vào mùa hè. Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý (8 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, các ngân hàng thương mại chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất…).
Năng lực kích thích kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch, giúp củng cố lại thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.
Nếu theo mô hình chữ V, kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ xuống đáy trong quý II với mức suy giảm cực lớn vì độ cộng hưởng toàn cầu. Khi dịch bệnh được kiểm soát trong mùa hè và các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả, tăng trưởng sẽ hồi phục trong quý III và nhanh hơn trong quý IV.
Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng có thể sẽ đạt con số rất cao. Từ nửa cuối 2021, tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định. Nếu các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020 thực sự hiệu quả, tăng trưởng từ 2022 trở đi sẽ rất khả quan. Giai đoạn 2018-2019 tăng trưởng đạt 7%, năm 2022 có thể trên 7,5% và tăng dần các năm sau đó.
Tuy vậy, dù xác suất mô hình chữ V cao nhất nhưng cũng không nổi trội hơn so với các mô hình khác, có thể đặt xác suất 35-25-25-15 cho mô hình V, U, L và W. Sự hồi phục thậm chí không hoàn toàn giống mô hình nào trong 4 mô hình này, do dịch bệnh rất khó nói trước và sức khỏe hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể. Ngay cả khi dịch kết thúc đúng dự báo, những nhân tố khác như bầu cử, tranh chấp thương mại, thay đổi chiến lược đầu tư FDI… cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục.
Ẩn số chứng khoán
Ẩn số chứng khoán
Kinh tế có thể tích cực trong dài hạn nhưng chỉ số chứng khoán thường không phản ánh được triển vọng quá một năm. Điều này có nghĩa dù mô hình kinh tế hồi phục là chữ V, xu hướng của thị trường trong năm 2020 chưa chắc là chữ V. Một biến số quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng VN Index là dòng tiền nước ngoài.
Với nhà đầu tư nước ngoài, thí dụ ETF, việc đầu tư tiền vào Việt Nam nhiều lúc không phải nhờ Việt Nam thực sự nổi bật, mà đơn giản là họ phân bổ tài sản theo chiến lược toàn cầu. Do đó, khi thấy rủi ro cao, họ sẽ rút vốn, khi rủi ro thấp, họ sẽ đi đầu tư ở các thị trường mới nổi và Việt Nam.
Tín hiệu dòng vốn trong những tuần gần đây, cho thấy sự ưu tiên cho tài sản an toàn với trên 100 tỷ USD đổ thêm vào các quỹ Money Market. Một dấu hiệu tích cực, là trong 2 tuần trở lại đây đã có dòng tiền vào cổ phiếu, chủ yếu của Mỹ và các thị trường phát triển, các thị trường mới nổi vẫn bị rút vốn.
Với giả định dịch bệnh Covid-19 kết thúc vào mùa hè và kinh tế hồi phục nhanh, có thể dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm. Tuy nhiên lúc này những ẩn số khác là bầu cử tổng thống Mỹ, hay căng thẳng Mỹ - Trung, sẽ lại khiến nhà đầu tư phải cân nhắc.
Vì vậy, không có gì chắc chắn dòng tiền nước ngoài sẽ sớm quay trở lại ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc. Trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump thất cử, có thể làm triển vọng kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái bất ổn, ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Ở trường hợp ngược lại, cũng không có gì chắc chắn dòng tiền cho EM sẽ tốt hơn.
Năm 2016 sau khi Trump thắng cử, giới đầu tư nhận thấy kinh tế Mỹ sẽ khả quan nên rút tiền khỏi EM về đầu tư tại “sân nhà”. Hiện vẫn còn nhiều ẩn số với dòng tiền này. Vì vậy, kịch bản khả dĩ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong mô hình chữ V là hồi phục nhẹ từ đáy rồi tích lũy 2-3 quý.
Ngay cả khi dịch kết thúc đúng dự báo, những nhân tố khác như bầu cử, tranh chấp thương mại, thay đổi chiến lược đầu tư FDI… cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục kinh tế. |