Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, TPHCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:
Phương án 1: tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2: tiếp tục thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Phương án 3: cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”.
Phương án 4: tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM phải tạm dừng sản xuất vì mô hình "3 tại chỗ" gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không thể duy trì được "3 tại chỗ" vì chi phí lớn, quy mô diện tích nhà xưởng chật hẹp, số lượng công nhân đông. Ngoài ra, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới.
Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp, hiệp hội đã có kiến nghị về việc linh hoạt mô hình để có thể tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho biết, các doanh nghiệp tại KCN TPHCM và các khu công nghiệp trong TP đề xuất cần cải tiến mô hình "3 tại chỗ" thành mô hình "2 tại chỗ, 1 vùng xanh", để công nhân có thể ăn uống, sản xuất tại chỗ nhưng về ngủ ở vùng xanh.
Theo đó, nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khách sạn… nhưng phải nằm trong vùng xanh đã được doanh nghiệp khảo sát, để thuận tiện cho xe đưa đón tập trung thông qua một cung đường nhưng nhiều điểm đón. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với địa phương để hỗ trợ, củng cố vùng xanh.
Để quản lý công nhân, các doanh nghiệp ở KCN TP đề xuất cài app khi công nhân về vùng xanh. Ngoài ra, công nhân sẽ được doanh nghiệp xét nghiệm 2 lần/5 ngày.