Shipper - Mắt xích quan trọng trong chuỗi chống dịch

(ĐTTCO) - Nếu biết sử dụng lực lượng shipper tốt, khâu phân phối hàng hóa sẽ được cải thiện rõ rệt và hiệu quả hơn. Có nghĩa, việc giãn cách xã hội thành công và ít tổn thương hơn cho xã hội. TPHCM có lực lượng shipper đông đảo nhất nước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPHCM đang dồn toàn bộ sức lực để thực hiện Chỉ thị 16 với đích hướng đến ngày 15-9 đưa TP trở về trạng thái bình thường mới từng phần hay toàn bộ. 
Còn đúng nửa tháng nữa, tuy nhiên có câu hỏi không ai xác quyết được, là sau 15-9 liệu còn giãn cách và dịch còn tiếp tục quay trở lại? Rất có thể, bởi Mỹ, châu Âu đã tưởng chừng như đã quay trở lại cuộc sống thường nhật, nhưng rồi biến thể Delta đã làm dịch tái bùng phát, thậm chí tới đây có thể biến thể Lambda đang rình rập đâu đó nữa.
Như vậy, để đảm bảo cho công cuộc chống dịch trường kỳ, TPHCM cần có chương trình hành động hợp lý hơn để đảm bảo ổn định đời sống người dân, đồng nghĩa với an dân và cũng là cơ sở đảm bảo thành công mục tiêu kép của Chính phủ là dập dịch và phát triển kinh tế.
Một trong những điều căn bản nhất của mọi chính sách xã hội là hướng tới đời sống ổn định, giữ cho xã hội trong trạng thái thăng bằng tốt nhất có thể. Trong thời gian qua lãnh đạo TP và các bộ phận chức năng đã cố gắng rất nhiều, nhưng rõ ràng có nhiều khâu, nhiều chỗ chưa ổn. Siêu thị vẫn mở cửa, nhưng muốn mua được hàng phải xếp hàng cả km dưới trời mưa, nắng, không biết ai quanh mình là F0, F1.
Các cửa hàng thuốc tây, bánh mì, tạp hóa, điện máy đóng cửa vì không được coi là hàng hóa thiết yếu, thậm chí người dân bên này đường không được phép mua hàng trong siêu thị đối diện cách 10m vì khác quận… cho thấy sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã xuất hiện. 
Khâu yếu nhất và dễ đứt gãy nhất là  phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất, từ kho đầu mối đến tay người tiêu dùng. Đó là gạo, rau quả, thịt, tôm cá từ Đà Lạt, ĐBSCL không thiếu, thậm chí bị chất đống đổ bỏ, dù chúng vẫn về được ở đâu đó trên địa bàn TPHCM và các nơi ráp ranh, nhưng từ đây đến tay người dân rất chật vật.
Thậm chí, nhiều mặt hàng có sẵn trong nội thị như thuốc tây, sách, linh kiện điện tử, đồ điện gia dụng nhưng không sao đến tay người cần chúng. Người mua không được ra đường, người bán không dám xuất hàng.   
Qua nghiên cứu, quan sát và từ thực tế, các nhà nghiên cứu rút ra được kết luận rất quan trọng, là nếu biết sử dụng lực lượng shipper tốt khâu phân phối hàng hóa sẽ được cải thiện rõ rệt và hiệu quả hơn, có nghĩa việc giãn cách xã hội thành công và ít tổn thương hơn cho xã hội.  TPHCM có lực lượng shipper đông đảo nhất nước.
Theo báo cáo chính thức của các đơn vị thuộc sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Grab, Go-Viet, Be, Fastgo, AhaMove, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Foody, trên địa bàn TPHCM có khoảng 68.000 shipper.
Nếu tính cả đội quân giao hàng riêng của 2.787 cửa hàng tiện lợi, 101 siêu thị trên địa bàn TP và 388 điểm bán hàng bình ổn, lực lượng giao hàng có thể lên đến 120.000-150.000 người. Trong những ngày giãn cách vì nhiều lý do chỉ chừng 30% số này được phép tham gia vận chuyển hàng hóa. 
Chúng tôi đã từng phỏng vấn các shipper và nhận được kết quả trung bình 1 shipper 1 ngày giao 30-35 đơn hàng. Nếu 120.000 shipper cùng hoạt động sẽ có khoảng 4 triệu người không phải ra đường vẫn thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng. Rõ ràng shipper được coi là đôi chân nối dài của người dân trong mùa dịch.
Đây là lực lượng rất cơ động, chỉ cần chiếc xe máy, smartphone, giỏ chứa hàng là có thể rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của TP rộng 2.100km2 này. Họ đến được những nơi xe hơi giao hàng không tiếp cận được. Họ có khả năng tìm được địa chỉ giao nhận ở những nơi không có số nhà, di chuyển bất cứ giờ nào trong ngày. Đặc biệt họ có thể giúp mua được những mặt hàng thuộc loại không dễ tìm, chỉ những người rong ruổi khắp đường phố mới biết. 
Nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở đó” và shipper bị hạn chế, điều gì xảy ra? Trước hết các siêu thị có hàng mà bán không hết. Hiện các siêu thị lớn như Coopmark, Lotte, BigC mỗi lần chỉ 10 người, Điện Máy Xanh 5 người, cửa hàng tiện lợi 2 người được vào mua hàng.
Một siêu thị cỡ Coopmark mỗi ngày mở cửa từ 6 giờ sáng đến 17 giờ, mỗi nhóm 10 người vào mua 20 phút, tức mỗi siêu thị nhiều lắm bán hàng cho không quá 500 người/ngày.
Ngoài ra, khi shipper không được hoạt động, lập tức sàn TMĐT với các tập đoàn như Viettel Post, Sendo, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada, bị đóng băng, trong khi đó là 1 trong 2 cách thức giao dịch lớn nhất hiện nay trên thị trường (giao dịch trực tiếp và gián tiếp). 
Mặc dù có vài điều chưa hài lòng về chuyện đóng thuế, hàng hóa không như quảng cáo, nhưng phải thừa nhận TMĐT có số lượng hàng giao dịch cực kỳ lớn. Chẳng hạn, Shopee mỗi ngày xử lý hơn 3,5 triệu đơn hàng. Các hãng này hầu như có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, kể cả với những loại hàng được coi là hiếm, đơn chiếc, không hề có mặt trong bất cứ siêu thị nào. Một điều khác cần đề cập là khi thiếu shipper, phí vận chuyển tăng cao gấp 4-5 lần.
Thí dụ, trong khu vực nội thành phí giao hàng 30.000 đồng nay có thể lên 90.000 đồng, thậm chí cao hơn giá mặt hàng, đã làm người dân ngán ngại. Chính do phí vận chuyển cao người dân giảm đặt hàng, khiến hàng hóa bị ứ đọng không lưu thông được.
Ngay sau khi TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các sàn TMĐT đã nhanh nhạy triển khai các chương trình, như “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Tiếp sức Sài Gòn - Tiki trao tươi ngon” của Tiki, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee. Nhưng hiệu quả không được như ý muốn vì thiếu người giao hàng.
Nhận thấy điều bất lợi này, ngày 30-7 vừa qua, Hiệp hội TMĐT có công văn khẩn (số 383 /VECOM-VP) gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng giao hàng hoạt động và hỗ trợ để TMĐT hoạt động hiệu quả.    
Tất cả shipper cần được ưu tiên tiêm vaccine nhanh nhất, được cấp thẻ công vụ của cơ quan chức năng (chẳng hạn Sở GTVT) như một loại “thẻ xanh”, cho phép phạm vi hoạt động rộng hơn không chỉ liên quận còn qua các tỉnh lân cận, thời gian làm việc được nới ra có thể đến 21 giờ.
Các shipper cần được tiêu chuẩn hóa theo các tiêu chí như sức khỏe, đạo đức, được nhận diện thống nhất qua trang phục, logo, được tập huấn kỹ càng về phòng dịch cho mình và cho khách hàng, được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội, nhân mạng. Về lâu dài, cần có nghiệp đoàn để họ sinh hoạt và được bảo vệ quyền lợi, được hỗ trợ khi khó khăn. 
Nhìn rộng ra theo bối cảnh kinh tế-xã hội và thời gian sẽ thấy shipper sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong chuỗi vận hành kinh tế: sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng. TMĐT sẽ soán ngôi các loại hình, trở thành loại hình kinh doanh chủ đạo trong tương lai không xa, như Alvin Toffler, nhà tương lai học, dự báo đời sống xã hội sẽ đảo lộn bởi công nghệ thông tin.  

Các tin khác