4 rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu 2012

Từ cuối năm 2011, một loạt diễn biến tích cực đã giúp lòng tin của giới đầu tư cải thiện ít nhiều, dẫn tới sự phục hồi không nhỏ của luồng vốn đầu tư vào các tài sản rủi ro, bắt đầu bằng cổ phiếu và hàng hóa toàn cầu.  Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với không ít rủi ro trong năm 2012.

Từ cuối năm 2011, một loạt diễn biến tích cực đã giúp lòng tin của giới đầu tư cải thiện ít nhiều, dẫn tới sự phục hồi không nhỏ của luồng vốn đầu tư vào các tài sản rủi ro, bắt đầu bằng cổ phiếu và hàng hóa toàn cầu.  Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với không ít rủi ro trong năm 2012.

Những diễn biến thuận lợi nói trên bao gồm các số liệu kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ khả quan hơn, các công ty hàng đầu tại các nền kinh tế phát triển vẫn làm ăn có lãi, Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi chỉ tăng trưởng chậm lại chút ít; nguy cơ bị phá sản hay buộc phải ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) của một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm. Đồng thời, ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đang bơm một lượng tiền lớn.

Giới phân tích nhận định, hiện nay lòng tin đang cải thiện, trong khi những lo ngại rủi ro cũng giảm bớt. Mặc dù vậy, ít nhất cũng có 4 rủi ro trong năm 2012 có thể đe dọa tăng trưởng toàn cầu, tác động xấu đến lòng tin của giới đầu tư và giá trị thị trường của các tài sản rủi ro.

Thứ nhất, Eurozone đang rơi vào suy thoái sâu, không chỉ ở các nước ngoại biên, mà cả những nền kinh tế chủ chốt, như Đức và Pháp. Khủng hoảng tín dụng tại hệ thống ngân hàng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các ngân hàng giảm đòn bẩy tài chính bằng việc bán tài sản, phân phối tín dụng, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.

Trong khi đó, không chỉ các biện pháp tài chính khắc khổ đang đẩy các nước EU đang gặp khó khăn lâm vào tình trạng "rơi tự do về kinh tế", mà việc mất sức cạnh tranh sẽ tiếp tục tồn tại. Để khôi phục khả năng cạnh tranh và tăng trưởng tại những nước này, giá EUR cần được giảm xuống ngang bằng USD. Nguy cơ sụp đổ của Hy Lạp sẽ vẫn nổi lên khi bất ổn chính trị và những biện pháp tài chính khắc khổ sẽ đẩy kinh tế Hy Lạp từ chỗ suy giảm thành suy thoái.

Thứ hai, hiện có những bằng chứng về hoạt động kinh tế suy giảm tại Trung Quốc và các nước châu Á khác. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tăng trưởng chậm lại là khó có thể chối cãi, khi mức tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm.

Trong khi đó, kinh tế Singapore đang giảm lần thứ hai trong 3 quý gần đây. Chính phủ Ấn Độ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2012 là 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Kinh tế vùng lãnh thổ Đài Loan rơi vào suy thoái trong quý IV-2011, trong khi kinh tế Hàn Quốc chỉ tăng 0,4%, mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Thứ ba, trong khi các số liệu kinh tế Hoa Kỳ được cải thiện, đà tăng trưởng của Hoa Kỳ dường như đã đạt đỉnh. Chính phủ sẽ tiếp tục thắt chặt ngân sách trong các năm 2012-2013, trong khi tiêu dùng tư nhân vẫn yếu. Về xuất khẩu, USD mạnh cùng với sự đi xuống của kinh tế toàn cầu và kinh tế châu Âu sẽ làm xuất khẩu của Hoa Kỳ giảm sút, trong khi giá dầu tăng sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu năng lượng, gây cản trở tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, những rủi ro địa chính trị tại Trung Đông đang gia tăng, do khả năng Israel phản ứng bằng quân sự đối với những tham vọng hạt nhân của Iran.

Nhìn chung, tình hình hỗn loạn hiện nay tại Trung Đông có thể dẫn tới việc giá dầu tăng cao hơn, tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Với những rủi ro nêu trên, các nhà đầu tư cuối cùng sẽ ưu tiên giữ tiền mặt trong danh mục đầu tư, tránh xa những tài sản cố định rủi ro hơn. Đây là một lý do nữa để người ta tin rằng kinh tế toàn cầu còn xa mới đạt được sự phục hồi cân bằng và bền vững.

Các tin khác