Số ca bệnh được phát hiện tăng đột biến từ đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, với 25 người bị mắc bệnh, trong đó đã có 4 người đã tử vong.
Bệnh nhân tử vong đầu tiên có liên quan đến bệnh Whitmore là ông Nguyễn Văn B. (SN 1969, trú quận Hải An, TP Hải Phòng) là 1 trong số thuyền viên trên tàu Vietship 01 gặp nạn bị chìm ở biển Quảng Trị. Ông B. được xét nghiệm máu, chẩn đoán mắc bệnh Whitmore vào ngày 14-10.
3 bệnh nhân tiếp theo là Hồ Văn V. (SN 1945, trú xã Lìa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị); Nguyễn Thanh L. (SN 1958, trú xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị); Hoàng Công D. (SN 1973, trú xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị).
Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Những trường hợp tử vong do bệnh Whitmore đa số do phát hiện quá muộn và có bệnh nền nặng. Năm nay, mưa lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi. Người bị bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán".
"Điều đáng ngại hơn, đó là biểu hiện bệnh Whitmore rất dễ lầm tưởng với các bệnh thông thường như viêm phổi. Người bệnh bị ho nên thường mua thuốc, kháng sinh trị ho uống có thể khỏi một thời gian rồi tái phát, nếu chủ quan, để tình trạng kéo dài thì rất nguy hiểm” - bác sĩ Lê Văn Lâm nói thêm.
Để đối phó với bệnh Whitmore, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường điều tra ca bệnh, đánh giá yếu tố dịch tễ và phân tích nguy cơ, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phòng, chống bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao, nơi ô nhiễm môi trường sau bão lũ; bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, có nguy cơ cao để sớm phát hiện, điều trị tích cực, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong do bệnh Whitmore.