Sự thiếu liên thông và thống nhất giữa các ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đang khiến nhiều người dân bối rối và khó khăn.
Nở rộ app
Hiện trong các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 đang được Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế cùng triển khai, có 3 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Declaration) và tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone; ứng dụng NCOVI.
Trong đó, ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc), khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng... Nơi đây cũng tạo mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc.
Ứng dụng Bluezone thì cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại thông minh, cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Ứng dụng NCOVI cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Mới đây còn có thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tiêm chủng, quản lý sức khỏe người dân, trong đó cũng có tính năng khai báo y tế.
Bên cạnh các ứng dụng đang được triển khai sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhiều địa phương còn có các hệ thống, ứng dụng riêng. Như Đà Nẵng, Quảng Nam có hệ thống khai báo y tế, kiểm soát ra/vào qua website tích hợp trên cổng thông tin chính quyền; Vĩnh Phúc, Hải Dương dùng ứng dụng Zalo để trả mã QR cho người dân sau khi khai báo y tế.
Hay mới đây, một số chợ ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) quản lý khai báo y tế của người đi chợ bằng cách ghi thông tin vào cuốn sổ và đóng dấu "đã khai báo y tế" lên tay người dân...
Đặc biệt, TPHCM vừa triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch "di biến động dân cư". Tuy nhiên, thay vì sử dụng ứng dụng khai báo y tế có sẵn trên điện thoại, người dân buộc phải khai báo thông tin tại trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để nhận mã QR (cũng giống như thực hiện trên hệ thống tokhaiyte.vn).
Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng có ứng dụng Y tế TPHCM cho phép người dân TP khai báo y tế, đặt lịch tiêm chủng, đánh dấu điểm đến qua mã QR... Ngoài ra, nhiều quận huyện và nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng triển khai ứng dụng các hệ thống, phần mềm khai báo y tế, kiểm soát người đi lại.
Nên có 1 ứng dụng toàn dân
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, việc có quá nhiều hệ thống, ứng dụng tham gia việc khai báo y tế và kiểm soát thông tin đi lại của người dân hiện nay là không cần thiết và không nên.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty truyền thông đa phương tiện NBN Media, dẫn chứng: "Trước đây đi chích vaccine từng có chuyện tắc nghẽn, do dân đã khai báo qua trang của bộ, song đến nơi bị yêu cầu phải khai báo trên trang của TP".
Đơn cử trường hợp ứng dụng "Di biến động dân cư", ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập ứng dụng quản lý nhân sự và chấm công Tanca.io - nói: "Đây đơn thuần là một website nhập thông tin. Thay vì sử dụng một tên miền ngắn gọn để người dân dễ nhập, và trở về tên miền chính, thì cơ quan quản lý lại đặt một tên miền dài, do vậy họ phải sử dụng cả QR Code để việc truy cập vào tên miền dễ hơn.
Hơn nữa, website cũng chấp nhận cả thông tin người dân khai báo không chính xác, hoặc khai báo vắn tắt... Nó sẽ khiến việc truy lại thông tin mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể website này chỉ cho nhập một địa điểm đến, thì những người đi nhiều địa điểm (được phép) khai thế nào?".
Từ đó, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng Việt Nam cần thống nhất sử dụng ứng dụng duy nhất và liên thông dữ liệu, thay vì tạo ra nhiều app như hiện nay.
Cần "hướng dẫn sử dụng" nhiều hơn
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng đưa ra ứng dụng cũng cần giới thiệu, hướng dẫn người dân kỹ như doanh nghiệp vẫn làm, đơn cử như tung clip hướng dẫn.
Ông Trần Viết Quân nhấn mạnh hơn 1 năm qua, dù đã công bố rất nhiều dự án, ứng dụng công nghệ thông tin cho việc truy vết, quản lý F nhưng hiệu quả chưa đạt yêu cầu cao. Trong khi chúng ta có rất nhiều dữ liệu có sẵn để có thể phối hợp sử dụng từ số điện thoại nhà mạng, dịch vụ 3G, 4G, các thiết bị camera, vòng đeo tay...
Việc quan trọng là chỉ ra một đơn vị có khả năng kết nối các dữ liệu thông tin, các giải pháp và đưa ra hình thức vừa phù hợp, thuận tiện và hiệu quả.
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Tiến tới khai báo 1 lần
Bộ Công an và Bộ Y tế đã thống nhất về mặt kỹ thuật để liên kết các phần mềm với nhau và trong ít ngày tới sẽ hoàn thiện. Người dân chỉ phải khai báo y tế 1 lần ở bất kỳ phần mềm nào thì các phần mềm khác đều có dữ liệu.
Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích người dân nên khai báo ở phần mềm của Bộ Công an để thống nhất quản lý và khai báo, truy vết F0. Tại phần mềm này còn có thông tin nơi lưu trú, tạm trú, thường trú, nơi đi, nơi đến và liên kết với công an các địa phương nên công tác truy vết sẽ chính xác và nhanh hơn.
Ông Phan Thanh Giản cho rằng một sản phẩm công nghệ giúp thay cho việc tiếp xúc trực tiếp, nếu khâu triển khai tạo ra ùn tắc đã đi ngược lại mục đích phòng chống lây lan bệnh.
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh (phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - C06, Bộ Công an) cho biết như trên để thống nhất quản lý khai báo, truy vết F0.
Trước tình trạng ùn tắc do khai báo "di biến động dân cư" tại các chốt nội thành TP.HCM, đại diện Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện linh động nhiều biện pháp để đảm bảo giãn cách.
Chiều 15-8 thượng tá Tô Anh Dũng - cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Bộ Công an đang triển khai trên cả nước phần mềm quản lý "Di biến động dân cư" vùng dịch để kiểm soát, truy vết công dân nghi nhiễm F0, F1, F2 khi cần thiết.
Theo đó, người dân trước khi di chuyển cần thực hiện khai báo thông tin trên trang suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và được cấp mã QR code để quét tại các chốt kiểm soát. "Việc xảy ra ùn ứ khi bắt đầu thực hiện phần mềm là do công dân chưa khai báo trước khi đến điểm chốt" - ông Dũng nói.
Cục phó C06 cho biết Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như công an cấp cơ sở tuyên truyền đến từng nhà, từng người thực hiện kê khai thông tin trước khi di chuyển qua các trạm kiểm soát. Các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 cần tăng cường sử dụng phần mềm trên để kiểm soát.
"Trường hợp có hiện tượng ùn tắc cao, nếu tuyến đường của công dân di chuyển có trạm kiểm soát tiếp theo thì hướng dẫn người dân đến trạm tiếp theo để kiểm tra" - ông Dũng nói.
Theo C06, tính đến ngày 15-8, trên hệ thống phần mềm ghi nhận 96.347 tờ khai báo y tế online, trong đó có 1.229 tờ khai bị từ chối do công dân nhập sai thông tin, thông tin không khớp với giấy tờ tùy thân, không đủ giấy tờ...
Bộ Công an đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện app để công dân chỉ cần khai báo 1 lần, thuận tiện trong quá trình sử dụng, tránh việc chỉ có thể khai báo trên website như hiện nay.
Thời gian qua, không ít người dân gặp chuyện tréo ngoe với các hệ thống "công nghệ 4.0" hỗ trợ chống dịch.
Được Bộ Thông tin và truyền thông cùng Bộ Y tế chỉ đạo, Tập đoàn Viettel đã xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng gồm 4 hệ thống: ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử", cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và trung tâm đáp ứng (MCC).
Người dân đăng ký thông tin cá nhân thông qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" và cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Các sở y tế tiếp nhận, duyệt và phân bổ đối tượng tiêm chủng Covid-19 đến các trung tâm y tế.
Tất cả dữ liệu đều được quản lý tập trung, đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý. Sau khi tiêm chủng thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng Covid-19 thông qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" và cổng thông tin tiêm chủng. Quy trình tưởng chừng trơn tru nhưng không phải vậy.
Đến tiêm vaccine tại địa điểm nhà thi đấu Phú Thọ nhưng do sức khỏe không đáp ứng nên chị M.T. (ngụ phường 16, quận Gò Vấp) không thể tiêm và được bác sĩ cho về. Chưa được bệnh viện gọi nhưng lên hệ thống cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 thì chị thấy mình đã tiêm 1 liều AstraZeneca ở Trung tâm Y tế Phạm Văn Hai.
"Sửng sốt vô cùng. Thông tin sai như vậy, sau này làm sao được tiêm nữa", chị T. lo và liên hệ với rất nhiều cơ quan y tế nhưng hiện vẫn chưa được chỉnh sửa.
Nhiều người đã tiêm thì tìm mãi vẫn chưa có chứng nhận tiêm chủng.
Trước đó, tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là "hộ chiếu vaccine", quản lý toàn bộ bằng mã QR. Tuy nhiên, trước thực trạng sai sót với các hệ thống tiêm chủng điện tử, việc sở hữu tấm "lá chắn" vaccine sẽ còn rất nhọc nhằn đối với nhiều người.