Việc triển khai 4G tại Việt Nam dường như đã được ấn định khi Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng nhận định, cơ hội cho 4G ở Việt Nam đã chín muồi và dự kiến, việc cấp phép triển khai 4G sẽ được tiến hành từ năm 2016. Tuy nhiên, để công nghệ này thực sự chiếm lĩnh thị trường, vẫn còn nhiều mối lo.
Thiết bị đầu cuối đắt, nội dung nghèo
Mặc dù các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối như Samsung, Huawei, hay gã khổng lồ trong giới chip di động thế giới Qualcom rất hào hứng với thị trường Việt Nam, đều khẳng định Việt Nam không nên bỏ qua thời điểm vàng để triển khai đồng loạt 4G, nhưng hạn chế về thiết bị đầu cuối vẫn thực sự đang là mối lo lớn. Trên thị trường hiện nay, các dòng điện thoại tích hợp công nghệ 4G đã xuất hiện, tuy nhiên giá thành khá cao, đa phần đều ở mức giá từ 5 triệu đồng trở lên.
Những điện thoại bình dân có tích hợp 4G với mức giá trên dưới 3 triệu đồng của các nhà cung cấp như HTC, Samsung… cũng đã bắt đầu xuất hiện, nhưng người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, còn mức giá 1-2 triệu đồng gần như vắng bóng trên thị trường.
Theo một chuyên gia viễn thông, sau 5 năm triển khai, số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G tại Việt Nam đã tăng từ 7 triệu thuê bao lên đến gần 29 triệu thuê bao. Vậy nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số thuê bao di động (hơn 120 triệu thuê bao). Việc thuyết phục được số thuê bao 3G đổi sang 4G khi mạng 3G vẫn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu hay thu hút thuê bao mới, hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.
Ngành công nghiệp nội dung số nghèo nàn đang trở thành rào cản cho sự phát triển dịch vụ 4G. |
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nội dung số nước ta đến thời điểm này vẫn còn nghèo nàn, đã trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của 4G. Có một thực tế đáng suy ngẫm, dù 3G đã triển khai được 5 năm, độ phủ sóng lên tới 90% dân số, tuy nhiên ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam vẫn còn được xem là mới mẻ. Trên nền tảng 3G, người sử dụng có thể lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game, tải game, nhưng do chất lượng dịch vụ chưa đủ để đáp ứng, phần nữa do nội dung được cung cấp nghèo nàn, ngành công nghiệp này còn đi sau so với tốc độ phát triển của 3G rất nhiều.
Chính Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cũng thừa nhận, nếu chỉ đơn thuần là lướt web, check mail, người dùng sẽ chẳng cần đến 4G, nhất là khi chất lượng 3G đang ngày càng tốt hơn. Công dụng của 4G chủ yếu là để xem TV, chơi game, để tải những dịch vụ dữ liệu rất lớn. Do đó, muốn phát triển 4G, doanh nghiệp nội dung số nội địa cần phải tăng tốc và đón đầu. Nếu người dùng vẫn phải xem, sử dụng nội dung của nước ngoài, chi phí vừa cao, ngôn ngữ lại chủ yếu là tiếng Anh, không tương đồng với số đông.
Nhà mạng dè dặt
Tính đến thời điểm đầu năm 2015 đã có 5 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G. Nhưng cho đến nay, kế hoạch triển khai mạng 4G như thế nào vẫn được các nhà mạng trả lời rất dè dặt.
Trong các doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm công nghệ 4G thì Viettel và VNPT được đánh giá là 2 doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ nhất và đang sở hữu cơ sở hạ tầng của 3G được xem là khá tốt. Theo ghi nhận, hiện nay Viettel gần như đã hoàn thiện về mặt hạ tầng sẵn sàng cho triển khai 4G. Tuy nhiên, nhà mạng này vẫn tỏ ra cẩn trọng, khác hẳn với sự sốt sắng của các nhà cung cấp dịch vụ hay thiết bị.
Theo đại diện Viettel, nhà mạng này đã triển khai thí điểm ở Lào và Campuchia trên dải 1800 MHz và 2600 MHz trong năm 2015, nhưng sẽ cân nhắc việc triển khai trên diện rộng công nghệ này. Còn VNPT vẫn giữ cái nhìn thận trọng, bởi theo đại diện nhà mạng này, sức chi của người dân cho 4G còn yếu, nếu đầu tư rầm rộ có thể đọng vốn, thậm chí thua lỗ. Sự im lặng của FPT Telecom, CMC hay VTC một phần đến từ việc các nhà cung cấp này vốn chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển mạng di động.
Theo các chuyên gia, kinh phí để đầu tư 4G, cùng việc 3G chưa chịu áp lực, có thể là những lý do chính để các nhà mạng không còn bùng nổ như thời điểm 5 năm về trước. Còn nhớ, khi triển khai mạng 3G, các doanh nghiệp viễn thông đã phải đầu tư 2,5 tỷ USD cho mạng lưới trong thời gian từ 2009-2012. Ngoài ra, để dịch vụ này được phổ cập, các nhà mạng đã đua nhau giảm giá thành xuống mức bình dân. Và cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn vốn dù thuê bao 3G đã tăng vùn vụt. Lộ trình triển khai 4G có thể ít nhiều đi lại con đường này khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ.
Bên cạnh đó, có một thực tế dễ thấy, dù là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, việc thoại trên nền tảng 4G chưa được phổ cập cũng là một rào cản. Nói một cách khác, 4G được thiết kế để chạy những ứng dụng về data, theo đó người xem có thể tải phim, nhạc… dung lượng lớn với tốc độ kỷ lục. Trong khi đó, nhìn chung nhu cầu thoại vẫn là thiết yếu nhất của người dùng di động Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều nhà mạng sẽ có tâm lý không phải vội khi nguồn cầu của người dân chưa thực sự lớn.