(ĐTTCO) - Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và DN diễn ra mới đây, lãnh đạo TP chia sẻ mục tiêu TPHCM phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 DN. Làm sao để hiện thực hóa mục tiêu này? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH VĂN MINH (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, mục tiêu đến năm 2020 TPHCM sẽ có 500.000 DN có thực sự là một thách thức?
Ông HUỲNH VĂN MINH: - Trước hết phải nhìn nhận không phải chỉ TPHCM có mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ số lượng DN, mà ngay trong Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ35) của Chính phủ về phát triển DN đến năm 2020 cũng đặt ra mục tiêu có 1 triệu DN. Đây là tham vọng tốt. Tôi chỉ lấy một thí dụ nhỏ, nếu 1 DN sử dụng 10 lao động, thì 500.000 DN sẽ giải quyết rất nhiều việc làm. Tuy nhiên, để đạt được con số 500.000 DN thực sự không đơn giản, nó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng phải tạo ra môi trường phát triển tốt cho DN.
Mục tiêu thành lập 500.000 DN từ nay cho đến năm 2020 là hoàn toàn thực tế, không phải mơ hồ viển vông, một khi quyết tâm có thể thực hiện được. Mỗi tháng TP có 3.000 DN lập mới, phải làm sao đẩy con số này lên, song song với đó là kéo giảm DN không hoạt động xuống. TP sẽ tạo điều kiện chuyển 250.000 hộ kinh doanh cá thể thành DN, ít nhất cũng phải được một nửa. Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM |
Thực tế hiện nay, như chia sẻ của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, số DN đăng ký 270.000 nhưng thực chất đang hoạt động chỉ có 170.000 DN. Các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với 3 vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Thứ nhất là nhân lực. Hiện nay nguồn nhân lực rất thiếu và yếu, vậy khi có thêm 200.000 hay 300.000 DN nữa liệu đào tạo có đáp ứng kịp nhu cầu cho DN hay không. Thứ hai là vấn đề vốn. Đa số DN Việt hiện nay thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, nên tiếp cận vốn rất khó khăn, trong khi lãi suất vẫn còn cao hơn nhiều nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của DN. Thứ ba là cơ chế chính sách, các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.
Trong cuộc họp giữa lãnh đạo TP và DN vừa qua, 1 DN cho biết theo quy trình làm văn bản chỉ 5 ngày, nhưng thực tế DN phải mất thời gian gấp đôi, gấp 3. Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà là tình trạng chung của nhiều DN. Việc Chính phủ ra NQ35 là một điều rất tốt, nhưng thực thi như thế nào mới đáng quan tâm. Chúng ta cũng có nhiều chủ trương chính sách tốt, nhưng khi đưa vào thực tế không mang lại kết quả như mong muốn.
- Trước nhiều ngờ vực về con số 500.000 DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc chuyển đổi hộ cá thể thành DN, theo ông việc này có hiệu quả?
- Một lần trò truyện với các DN, một DN đã nói với tôi làm DN mệt quá, nhiều thủ tục nhiêu khê quá nên công ty này đã thành lập nhiều cơ sở kinh doanh ở bên dưới để hoạt động được dễ dàng hơn. Thực tế hiện nay nhiều hộ cá thể không muốn thành lập DN vì những thủ tục phức tạp. Khi làm hộ cá thể người ta dễ sống và thậm chí khi “chết cũng dễ chôn” hơn. Một câu chuyện không mới của các DN đó chính là làm thủ tục phá sản hoàn toàn không dễ dàng. Vấn đề này buộc chúng ta phải trở lại câu chuyện về chính sách, làm thế nào để các hộ cá thể này hăng hái với việc chuyển thành DN.
Thời gian tới đây, Hiêp hội DN TPHCM cũng sẽ tổ chức một hội thảo xung quanh vấn đề này để cùng có những kiến nghị lên TP nhằm tạo những điều kiện thông thoáng hơn cho DN hoạt động. Các DN hiện nay đang là động lực phát triển kinh tế của đất nước, chính vì thế việc tạo lòng tin cho DN là hết sức quan trọng. Các DN mong muốn các cơ quan chức năng hành động nhiều hơn, thiết thực hơn để từng bước gỡ khó cho DN. Chúng ta đang chuyển qua giai đoạn coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý, thế nhưng khi đến một vài chương trình tôi vẫn thấy khẩu hiệu “DN đồng hành cùng Nhà nước”. Theo tôi cần chuyển lại thành “Nhà nước đồng hành cùng DN”.
Mục tiêu thành lập 500.000 DN vào năm 2020 là vấn đề rất mơ hồ, không hợp lý. Thống kê của VCCI cho thấy nước ta không chỉ có DN vừa và nhỏ mà hiện có rất nhiều DN li ti. Do vậy, chúng ta không nên phát triển số lượng, mà quan trọng đưa các DN đang hoạt động phải lớn mạnh lên, sánh ngang với DN các nước Thái Lan, Singapore. DN TPHCM cần xây dựng thương hiệu quốc gia. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TPHCM |
- Khá nhiều ý kiến cho rằng đừng đặt nặng vấn đề số lượng, mà hãy quan tâm cải thiện chất lượng cho DN đang hoạt động, vì theo khảo sát của VCCI, DN Việt Nam đang ngày càng bị “li ti hóa”?
- Theo tôi, việc phát triển thêm DN là cần thiết và phù hợp với xu thế. Chính vì thế năm 2016 mới là năm khởi nghiệp để khuyến khích tinh thần của các DN trẻ. Và theo tôi từ nay đến 2020 sẽ là giai đoạn khởi nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên tỷ lệ thành công của các DN khởi nghiệp thường không cao, nên việc quan tâm phát triển các DN hiện hữu là không thể thiếu. Cần có một cuộc tổng điều tra DN một cách chi tiết để xem các DN hiện nay như thế nào, nhỏ phải làm thành vừa, vừa làm thành lớn… Những DN này đã có nền tảng nên sẽ nhiều thuận lợi hơn. Ngoài ra, chúng ta cần có những thương hiệu thực sự lớn mạnh, nhưng hiện nhiều thương hiệu lớn đã bị mua lại.
Theo phân công của TP, Hiệp hội DN TPHCM cùng Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tập hợp đánh giá để lựa chọn ngành nghề nào là chủ lực nhằm xây dựng những sản phẩm có thương hiệu. Ngoài ra, với vai trò đại diện tiếng nói của DN TP, hiệp hội sẽ triển khai lấy ý kiến DN trong việc triển khai NQ35 của Chính phủ để gửi kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền.
- Xin cảm ơn ông.