55% doanh nghiệp FDI báo làm ăn thua lỗ

(ĐTTCO) - Trong báo cáo gửi Thủ tướng kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính, trong năm 2021 có đến hơn một nửa tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ.

Theo đó, số doanh nghiệp FDI báo lỗ lên đến 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp (chiếm 62% tổng số doanh nghiệp); tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17%), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc hàng loạt doanh nghiệp FDI báo làm ăn thua lỗ càng đòi hỏi việc thu hút vốn FDI cần phải có sự chọn lọc kỹ càng hơn. Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Tài chính, việc hàng loạt doanh nghiệp FDI báo làm ăn thua lỗ càng đòi hỏi việc thu hút vốn FDI cần phải có sự chọn lọc kỹ càng hơn. Ảnh minh hoạ

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, năm 2021, tình hình tài chính của doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng cụ thể: tổng tài sản là 8.857.187 tỷ đồng, tăng 1.025.139 tỷ đồng (tăng 13%) so với năm 2020; vốn chủ sở hữu là 3.640.86 tỷ đồng, tăng 358.258 tỷ đồng (tăng 12,3%) so với năm 2020; nợ phải trả là 5.261.313 tỷ đồng, tăng 666.872 tỷ đồng (tăng 14,7%) so với năm 2020.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng quy mô tài sản mặc dù tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đánh giá, tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực của mình.

Do đó, cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội phù hợp với quan điểm chỉ đạo “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu” theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Các tin khác