Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển. Thời gian qua, TPHCM đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao (SHTP), Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ (KH-CN)…
Riêng SHTP, đến nay đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD, năng suất lao động bình quân gấp 20 lần năng suất lao động bình quân của thành phố, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về công nghệ như Intel, Samsung…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, những giải pháp trên đã giúp kinh tế TPHCM đạt mức tăng trưởng khá cao. Nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giai đoạn 2016-2019 GRDP của TPHCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước. Đặc biệt, TPHCM đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập Thành phố Thủ Đức.
Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM, chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, ở Việt Nam, quan điểm phát triển kinh tế tri thức đã được đề cập, bàn bạc từ các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý… và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau từ những năm đầu thời kỳ đổi mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nhiều văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị trí, vai trò kinh tế tri thức trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, rất coi trọng vận dụng các yếu tố của kinh tế tri thức; đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng. “Để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới: 1. Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức; cần thiết xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; 2. Tập trung phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; 3. Tăng cường năng lực KH-CN quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức KH-CN mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước; 4. Đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; 5. Ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo; 6. Không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế; có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo; 7. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển KH-CN tiên tiến, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước. |