![]() |
Ngày 2/6, Hoa Kỳ công bố danh sách hơn 77.000 ngân hàng và các thể chế tài chính khác thuộc gần 70 quốc gia trên toàn thế giới tham gia cuộc chiến chống trốn thuế do nước này khởi xướng.
Thông báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết các thực thể trên đã cam kết tham gia Đạo luật về việc tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) củaHoa Kỳ.
Từ tháng 3/2015, các tổ chức tài chính này sẽ chia sẻ thông tin về các "tài khoản Mỹ" cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRRS) bao gồm tên, số tài khoản và bản cân đối các khoản thu chi. Dự kiến danh sách này sẽ được bổ sung vào tháng tới.
Phát biểu trước báo giới, phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề thuế quốc tế, ông Robert B. Stack khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế đối với FATCA là rất rõ ràng, và thành công này sẽ giúp chấm dứt nạn trốn thuế đồng thời thu hẹp các kẽ hở về thuế.
Được ban hành vào tháng 3/2010, đạo luật FATCA ra đời nhằm ngăn ngừa và phát hiện những đối tượng trốn thuế là người Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Với việc ban hành FATCA, Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn được việc người Hoa Kỳ lợi dụng các tổ chức tài chính nước ngoài (FFIs) để trốn tránh việc đóng thuế đối với các tài sản và thu nhập của họ ở nước ngoài.
Theo đó, các FFIs sẽ phải rà soát các chủ tài khoản và các nhà đầu tư của mình để xác định xem tài khoản của họ có phải là “tài khoản Hoa Kỳ” không.
Các FFIs này sẽ phải báo cáo trực tiếp hoặc gián tiếp thông tin của các chủ tài khoản Hoa Kỳ ở nước ngoài cho IRS theo một thỏa thuận ký kết hoặc sẽ phải chịu bị áp mức thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hay gián tiếp từ Hoa Kỳ.
Hiện đã có gần 70 nước chấp nhận chia sẻ thông tin từ các ngân hàng của các nước này, trong đó, có những "thiên đường thuế" như Thụy Sĩ, Đảo Cayman và Bahamasa, và các nước có nền tài chính phát triển như Anh, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Nhật Bản, Mexico, Na Uy.